Bị hiếm muộn, đang chạy chữa thì chồng khoe với gia đình là nhân tình đã có thai khiến cả nhà chồng quay lưng với chị. Bị tổn thương, chị Tuyền viết đơn xin ly hôn đồng thời mang theo mình một điều bí mật....
Cấn bầu trong thời gian tiến hành thủ tục ly hôn nhưng nhiều người vợ không biết, hoặc vì lý do riêng mà cố tình tỏ ra… không biết. Trách nhiệm, quyền hạn của người cha sẽ như thế nào khi ly hôn không lâu thì vợ cũ sinh con?
Không phải con tôi!
Luôn nghi ngờ vợ ngoại tình, chán nản chồng suốt ngày ghen tuông là lý do vợ chồng chị Phạm Thị Duyên - anh Trịnh Bảo Trọng (Q.Tân Phú, TP.HCM) thống nhất ly hôn. Sau sáu năm chung sống, tháng 3/2013, họ được TAND Q.Tân Phú xử cho hai người đường ai nấy bước. Bin, cậu con trai năm tuổi do chị Duyên trực tiếp nuôi dưỡng. Oái ăm thay, ba ngày sau phiên xử, Duyên nhận ra mình có những biểu hiện “bệnh tật” như mệt mỏi, chán ăn, muốn nôn ói. Đi khám, bác sĩ cho hay cái thai chị Duyên đang mang đã sang tuần thứ năm. Vừa mừng vừa lo, chị điện thoại báo tin cho anh Trọng - giờ đã là chồng cũ. Ngờ đâu, đáp lại niềm vui của chị, Trọng buông lời nhạo báng: “Tôi có phải cha nó đâu? Cô nhớ lại đi. Mà tôi cũng đoán cô không nhớ ai là cha đứa trẻ”. Hụt hẫng, bất lực trước thái độ của chồng cũ, chị Duyên quay sang nhờ bạn bè, người thân khuyên nhủ Trọng có trách nhiệm với đứa trẻ sắp sinh. Chẳng những không “hồi tâm”, Trọng còn cay cú, miệt thị: “Tôi không ăn ốc sao bắt tôi đổ vỏ?”.
Tháng 11/2013, chị Duyên sinh con gái. Suốt thời gian mang thai cho đến ngày con chào đời, chị không nhận được bất cứ sự quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ nào của cha đứa trẻ. Hàng tháng, ngoài ghé thăm và đưa tiền cấp dưỡng nuôi cu Bin, Trọng không đoái hoài gì đến chị và con gái. Anh ta cho rằng, trong quá trình chung sống, anh ta đã “vô cùng” thiếu niềm tin vào lòng chung thủy của vợ cũ, đứa trẻ lại sinh ra sau thời điểm ly hôn, hà cớ gì anh ta phải có trách nhiệm. Trong khi đó, chị Duyên khẳng định, đứa trẻ chính là con của Trọng: “Trong bốn tháng tòa thụ lý vụ án, vợ chồng tuy ly thân song vẫn chung nhà, tôi không biết anh ấy thực sự quên hay cố tình không nhớ một bữa say đã gõ cửa phòng của tôi”. Hiện tại, cuộc sống rất chật vật, một mình không thể xoay xở lo cho các con, chị Duyên muốn “truy cứu” trách nhiệm của Trọng, nhưng chị lại không biết “đường đi nước bước” thế nào.
Không phải con anh!
Cũng có hoàn cảnh trớ trêu, nhưng khác với Trọng, anh Huỳnh Nhật Minh (Q.3) không biết làm cách nào để được nhận con và thể hiện quyền làm cha. Sống với nhau ba năm mà chị Nguyễn Bích Tuyền - vợ anh không có biểu hiện “thèm chua thèm ngọt”. Đưa đi khám, cả hai rất buồn khi bác sĩ cho hay, chị Tuyền bị tắc ống dẫn trứng, khó thụ thai. Vốn là đích tôn của dòng họ, anh Minh vô cùng lo lắng, cha mẹ anh càng bất an hơn. Ấy vậy mà, mới đang “nửa đường” chạy chữa cho vợ, anh Minh tỏ ra chán nản. Sự khác lạ của chồng khiến chị Tuyền đâm nghi, tìm hiểu và mới hay chồng đang qua lại với một cô đồng nghiệp. Chị chưa kịp “làm dữ” thì anh Minh bất ngờ lộ “mặt thật”, khoe với gia đình là nhân tình đã có thai. Sự đau khổ, những cơn ghen hờn của chị Tuyền không dưng là cái cớ khiến gia đình chồng quay lưng, nặng lời chì chiết chị. Họ ngấm ngầm ủng hộ mối quan hệ bất chính của con trai. Bị tổn thương, chị Tuyền viết đơn xin ly hôn.
Thế rồi phép màu kỳ diệu đã đến với chị Tuyền. Một tháng trước thời điểm xét xử, chị phát hiện mình mang một mầm sống. Buồn vui lẫn lộn, chị nửa muốn báo tin cho chồng, nửa muốn lặng im. Cuối cùng, im lặng là lựa chọn của chị, coi đó là bí mật của riêng mình khi cô em chồng từ bệnh viện gọi về: “Gia đình em đã có cháu ẵm bồng, một công chúa xinh xắn. Anh Minh rất hạnh phúc”. Ngày 24/2/2014, bảy tháng sau ngày nhận bản án ly hôn, bí mật của chị Tuyền đã bị “bật mí”. Cậu con trai kháu khỉnh của chị chào đời. Nằng nặc cho đó là “món quà” một người đàn ông khác tặng cho mình, chị Tuyền phản bác mọi khẳng định đó là con của Minh. Chị phớt lờ luôn sự “ăn năn” cùng lời hăm dọa của gia đình chồng cũ, sẽ kiện chị để Minh được nhận con và thực hiện nghĩa vụ người cha.
Người chồng có trách nhiệm gì?
Tượng hình trong giai đoạn “nhạy cảm”, thân phận những đứa trẻ khi sinh ra vì thế cũng “nhạy cảm” không kém. Tranh chấp nhận cha và cấp dưỡng nuôi con trở thành cuộc chiến của những người trong cuộc. Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thể hiện: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ này chính là con chung của hai vợ chồng”; điều 21, Nghị định 70/2001 của Chính phủ cũng quy định: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người”. Do đó, cả hai đứa trẻ trong hai trường hợp trên, đều là con chung của vợ chồng. Nếu không thừa nhận đó là con chung, người vợ hoặc người chồng phải có nghĩa vụ chứng minh bằng chứng cứ cụ thể và phải được tòa án xác định.
Theo đó, vì anh Trọng kiên quyết không nhận con và trong giấy khai sinh hiện vẫn chưa có họ tên cha, chị Duyên có quyền làm đơn yêu cầu tòa án xác định cha cho con. Sau khi có bản án hoặc quyết định công nhận cha cho con, chị Duyên cần tiến hành thủ tục bổ sung họ tên cha trong khai sinh của đứa trẻ. Nếu anh Trọng vẫn kiên quyết chối từ, không chịu cấp dưỡng nuôi con thì chị có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết, buộc chồng cũ phải thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng con theo quy định. Tương tự, anh Minh tin chắc đứa trẻ chị Tuyền sinh ra chính là con mình, muốn nhận song không được đồng ý, anh có quyền nhờ tòa án xác định mình là cha đứa trẻ. Sau khi có bản án hoặc quyết định xác định con, anh Minh cần tiến hành thủ tục bổ sung họ tên cha trong khai sinh của trẻ. Lúc này, anh Minh có đầy đủ quyền và nghĩa vụ làm cha đối với con theo luật định. Ngược lại, chị Tuyền khẳng định đứa trẻ đó không phải con chồng cũ, cũng phải cung cấp chứng cứ chứng minh và phải được tòa xác thực.
(Theo Tuyết Dân/Phunuonline)