Phương Tây hiện đang giám sát chặt một garage nhỏ tại một khu vực hẻo lánh ở sa mạc Libya, vốn được cho là nơi cất giấu vũ khí hóa học của chính quyền đại tá Gaddafi.


Theo một báo cáo của Wall Street Journal (Mỹ), chính phủ Libya hiện sở hữu 10 tấn khí độc iperit trong khoảng nửa tá thùng chứa ở một garage xe ở thành phố Sirte, phía nam thủ đô Tripoli, Peter Caril, chuyên gia chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Hội kiểm soát vũ khí Mỹ cho hay. Ngoài số khí độc, người đứng đầu Libya  được cho  là còn nhiều vũ khí hóa học khác và cả một kho tên lửa Scud, 1.000 tấn quặng uranium bánh vàng.

Số vũ khí này khiến Mỹ và các nước phương Tây lo ngại vì nó có thể được Gaddafi sử dụng để tàn sát dân thường.

"Khi bạn gặp phải một nhân vật quái chiêu như Gaddafi mà ông này lại có những vũ khí nguy hiểm, thì đó luôn là mối lo", một quan chức Mỹ cho hay. "Tuy nhiên, cho tới giờ vẫn chưa có động thái nào cho thấy ông ta sắp dùng khí độc hoặc vũ khí hóa học".

Năm 2003, Libya đồng ý hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học, gồm cả 25 tấn khí độc iperit và 3.300 quả bom. Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) - một tổ chức giám sát quốc tế chịu trách nhiệm giám sát việc hủy vũ khí. Libya từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley cho hay, việc phá hủy hệ thống phóng là rất quan trọng. "Chúng tôi đã hủy toàn bộ những thiết bị nguy hiểm nhất trong chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Libya, gồm cả vũ khí hóa học. Tuy nhiên, vẫn còn những vật liệu liên quan tới vũ khí hóa học ở Libya, song chúng không ở dưới dạng vũ khí hóa".

Nếu không có một hệ thống phóng, ông Caril nói: "Libya không có cách hữu hiệu để phát tán khí độc". Tuy nhiên, việc thả khí độc vẫn có thể thực hiện từ trực thăng song quan chức trên cho rằng chính phủ Libya sẽ không làm như vậy.

Quan chức Mỹ cho hay, việc kiểm soát tác nhân hóa học đòi hỏi những người biết họ đang làm gì. Nhưng, quan chức này cũng cho biết, việc hủy khí độc iperit và các tác nhân hóa học khác bị kéo dài.

10 tấn vật liệu còn lại theo kế hoạch phải hủy xong vào cuối 2010 song OPCW đồng ý gia hạn tới 15/3 năm nay. Theo Caril, việc trì hoãn là do Libya cảm thấy Mỹ và Anh không thực hiện lời hứa về hợp tác khoa học cũng như giúp nước này xây dựng lò phản ứng hạt nhân.

  • Hoài Linh (Theo CBS, CNN)