Với hơn 25% người dân đã tiêm ít nhất 1 mũi, đất nước 19 triệu dân là nhà vô địch của Mỹ Latinh. Ở phạm vi toàn cầu, Chile chỉ sau Israel, UAE và Vương quốc Anh.
Điều đó khác xa so với thời kỳ đầu của đại dịch khi Chile bị chỉ trích vì không có khả năng truy vết và cách ly những người bị nhiễm bệnh.
Một phụ nữ được tiêm vắc xin ở Santiago, Chile vào tháng 3
Vậy đâu là bí mật của thành công này?
Các quan chức chính phủ và chuyên gia y tế cho biết, Chile đã sớm đàm phán với những nhà sản xuất vắc xin, áp dụng kinh nghiệm từ một số chương trình tiêm chủng trước đây.
Trong những tháng đầu tiên của đại dịch, các khu hồi sức cấp cứu của Chile gần như kín chỗ. Chính phủ không thể kiểm soát sự lây lan của virus dù áp dụng phong tỏa.
Nhưng một diễn biến mới đã bắt đầu từ nhiều tháng trước đảm bảo Chile tiếp cận nhanh chóng với vắc xin.
Andres Couve, Bộ trưởng Khoa học Chile, cho biết đàm phán chính thức với các công ty sản xuất vắc xin đã bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái.
Ông Couve cho biết, vào tháng 5, một nhóm chuyên gia và quan chức đã trình bày kế hoạch với Tổng thống Sebastian Pinera. Đó là lộ trình về cách sử dụng mạng lưới hiệp định thương mại của đất nước và mối liên hệ trước đây với các công ty dược phẩm để có được vắc xin.
Vào tháng 10/2019, Tiến sĩ Alexis Kalergis đã đến Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng với 2 đồng nghiệp người Chile để tham dự hội nghị quốc tế về miễn dịch học. Ở đó, Kalergis đã gặp các chuyên gia từ công ty dược phẩm Trung Quốc, Sinovac Biotech.
Ông nói chuyện với các đồng nghiệp của Sinovac vào tháng 1 và tháng 2/2020, sau đó đến gặp Hiệu trưởng Đại học Công giáo Ignacio Sanchez.
Ông Sanchez đã tiếp xúc với Bộ trưởng Y tế và Ngoại trưởng Chile, thúc giục đàm phán sớm với Sinovac và các hãng dược phẩm khác để Chile tham gia vào thử nghiệm lâm sàng. Các bộ trưởng đồng ý và Chính phủ Chile bắt đầu tiếp xúc ngoại giao.
Tổ hợp thể thao La Pintana trở thành nơi tiêm vắc xin tập trung
Đến tháng 6, Chile đã ký hợp đồng với Sinovac để nhận một lô sớm khi vắc xin được cấp phép.
Rodrigo Yanez, Thứ trưởng phụ trách các mối quan hệ kinh tế quốc tế, cho biết ngay từ đầu, Chile đã hiểu rằng họ cần phải làm việc với các công ty dược phẩm cùng lúc.
Ông nói: “Chúng tôi đã xem xét các lựa chọn khác nhau, không đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ”.
Chile tham gia thử nghiệm lâm sàng Sinovac vào tháng 12 với sự tham gia của 2.300 nhân viên y tế. Chính phủ tiết lộ kết quả tốt.
Các thử nghiệm vắc xin của AstraZeneca, Johnson & Johnson và CanSino cũng được thực hiện ở Chile.
Chile đã nhận được lô vắc xin đầu tiên vào tháng 12, khoảng 21.000 liều từ Pfizer, nhưng số lượng này ít hơn so với hứa hẹn. Nước này ngay lập tức tiêm chủng cho các nhân viên y tế.
Đến cuối tháng 1, Chile nhận được 4 triệu liều đầu tiên từ Sinovac và có thể tăng tốc độ tiêm chủng. Việc tiêm vắc xin đại trà bắt đầu vào tháng 2.
Chile đã thực hiện hơn 100.000 mũi tiêm gần như hàng ngày kể từ đầu tháng 2.
Vào tuần trước, Chile đã đạt kỷ lục thế giới là 1,3 mũi tiêm trên 100 dân mỗi ngày, tiếp theo là Israel với 1,04 liều.
Không có quốc gia nào ở Mỹ Latinh đạt được thành công như Chile. Brazil mới chỉ tiêm vắc xin cho 4% dân số và Argentina khoảng 3%.
Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho biết, Chile hiện đã đảm bảo được 35 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 15 triệu người và nước này đã giúp đỡ các quốc gia khác. Đầu tháng 3, Chile đã tặng 20.000 liều Sinovac cho Paraguay và số lượng tương tự cho Ecuador.
Jarbas Barbosa, Phó giám đốc của Tổ chức Y tế Liên Mỹ, đánh giá Chile đã lập kế hoạch tốt và sử dụng khôn ngoan nguồn lực để thực hiện các thỏa thuận song phương với một số nhà sản xuất.
Đây không phải là lần đầu tiên Chile tiến hành chương trình tiêm chủng thành công. Năm ngoái, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 khi virus nCoV mới xuất hiện, các nhà chức trách Chile đã tiêm phòng cúm cho 8 triệu người.
Mario Patino, 75 tuổi, là một trong số những người đầu tiên được chủng ngừa bằng liều Sinovac vào tháng 2 tại một khu dân cư nghèo của Santiago.
“Mọi thứ đều hoàn hảo, nhanh chóng, với dịch vụ xuất sắc, được tổ chức tốt”, ông Patino cho biết. Ông được tiêm mũi thứ 2 vào cuối tuần trước.
An Yên (Theo AP)
Thử nghiệm vắc xin Covivac: Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu vắc xin năm 2022
Việt Nam tự tin có thể chủ động nguồn vắc xin Covid-19 trong nước, tiến tới xuất khẩu vắc xin vào năm 2022.