Là một vùng đất hoang sơ nằm tận cuối của tỉnh miền núi Lào Cai, nhưng khi đến thị trấn Bắc Hà, khách phương xa sẽ phải choáng ngợp bởi dinh thự của cha con Thổ ty Hoàng Yến TChao (còn được gọi là “Vua Mèo” của Bắc Hà thời Pháp thuộc) - Hoàng A Tưởng hoành tráng, uy nghi và sừng sững giữa lòng cao nguyên.

Tuy nhiên ít ai biết, ẩn đằng sau dinh thự uy nghi và xa hoa ấy, người dân nơi đây đã phải chịu một ách cai trị hà khắc và bóc lột tới tận xương tủy của họ Hoàng kia như thế nào.

{keywords}

Dinh thự Hoàng Yến TChao - Hoàng A Tưởng. Ảnh tư liệu

Người dân Bắc Hà một cổ nhiều tròng

Khu vực miền núi giáp biên giới phía Bắc từ xa xưa vốn là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thời phong kiến, mỗi vùng đều có một quan Châu cai quản, được gọi là Thổ ty. Những người dân tộc vẫn coi thổ ty là vua, là lãnh chúa có quyền uy tối thượng tại vùng đất của mình. Ở Hà Giang, dư luận từng biết đến “Vua Mèo” Vương Chí Sình nổi danh nhờ tham gia kháng chiến chống quân xâm lược. Còn ở Bắc Hà (Lào Cai), thổ ty Hoàng Yến TChao cũng một thời được trọng vọng, tôn sùng. Chỉ có điều trái ngược “Vua Mèo” Vương Chí Sình, thời gian trôi qua vẫn không thể xóa nhòa nỗi uất hận của người dân nơi đây trước tội ác tày trời của cha con Thổ ty Hoàng Yến TChao.

Nhớ về sự tàn độc của vị lãnh chúa đất Bắc Hà, bà Hoàng Kim Lái (75 tuổi), người từng sống dưới thời Thổ ty Hoàng Yến TChao cai trị bàng hoàng kể: “Thổ ty Hoàng Yến TChao là người dân tộc Tày (SN 1883, tại Châu Thủy Vĩ, Phủ Quy Hóa nay là huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Khi Hoàng Yến TChao làm lãnh chúa vùng này, tôi cũng khoảng hơn 10 tuổi. Nghe cha mẹ kể lại, trước khi thực dân Pháp đến xâm lược, thì ông Chao đã là một Trưởng bản giàu có và quyền thế ở xứ Bắc Hà này”.

Khi thực dân Pháp tìm đến, áp đặt chế độ cai trị tàn khốc, chúng sớm nhìn thấy những điểm có thể lợi dụng từ gã Trưởng bản quyền uy này. Quân giặc hiểu, việc cai trị các dân tộc ít người tại đây sẽ trở nên dễ dàng hơn, bởi bà con thường chỉ chịu nghe lời khi kẻ cầm quền là dân bản địa. Suy đi tính lại, giặc Pháp phong cho Hoàng Yến TChao chức quan Châu của Bắc Hà (Sau năm 1907, tỉnh Lào Cai được thành lập Bắc Hà trở thành một Châu của tỉnh Lào Cai - PV). Thời gian sau đó, giặc Pháp “mắt nhắm mắt mở”, dung túng cho Hoàng Yến TChao làm thuốc phiện nhằm đầu độc và bóc lột dân ta. Được sự hậu thuẫn của thực dân Pháp, thế lực của Hoàng Yến TChao đã mạnh càng trở nên hùng hậu khiến người dân nơi đây ai cũng phải khiếp sợ”.

Trong suốt thời gian trị vì từ năm 1905 đến năm 1950, dựa vào sự bảo hộ của Pháp, Thổ ty Hoàng Yến TChao bắt nhân dân phải chịu nhiều sự bóc lột vô lý. Chúng tự cho mình là vua của xứ Bắc Hà, tự ý tịch thu tất cả ruộng đất, cây cỏ, vật nuôi làm của riêng. Rên xiết dưới ách thống trị tàn khốc, bà con các dân tộc phải cắn răng làm việc để nuôi cha con Hoàng Yến TChao, phải nộp hết các sản vật có giá trị như gỗ quý, vải vóc, đồ trang sức. Bên cạnh đó, Thổ ty Chao còn độc quyền bán muối, hàng tiêu dùng, thuốc phiện, lương thực và bắt bà con phải mua với giá “cắt cổ”. Bà Kim Lái nhớ lại: “Ngoài thuế má, nô dịch, người dân còn phải nộp thuốc phiện theo định kỳ cho nhà họ Hoàng. Hoàng Yến TChao cũng quy định toàn bộ sáp ong ở các vách núi là của chúng, dân phải thu hoạch và đem nộp”.

Không chỉ dừng lại ở việc chiếm đoạt tài sản, hàng tháng, Hoàng Yến TChao còn bắt người dân xứ Bắc Hà phải nộp sưu thuế nặng nề. Bà Kim Lái kể: “Cứ vào mỗi cuối tháng, ông Chao lại cho lính đi thu thuế bằng thóc. Mỗi nhà phải nộp 3 đến 5 kg thóc, tùy vào số lượng nhân khẩu nhiều hay ít. Nếu ai không có thóc nộp thì coi như là nợ và phải đến làm không công cho Hoàng Yến TChao để trừ thuế. Những ngày thống trị xứ Bắc Hà, vị Thổ ty tàn ác này còn ép buộc dân phục dịch, bóc lột tận xương tủy. Đến mùa vụ, già trẻ, gái trai trong các bản đều phải về làm cho quan xong xuôi mới được về làm việc gia đình. Tiền công, Hoàng Yến TChao tìm mọi cách lấp liếm không trả. Người đến làm việc cho vị “Vua Mèo” độc ác này chỉ biết cắm cúi trên nương, đến bữa được cho bữa cơm rau mắm đạm bạc rồi ra về. Những người ở xa, dù hoàn thành công việc cũng không được về mà bị ép ngủ lại để hôm sau làm việc tiếp. Với người dân xứ Bắc Hà thời ấy, mỗi năm hai vụ mùa (một vụ lúa, một vụ thuốc phiện – PV) của nhà quan chẳng khác nào những cơn ác mộng. Nhiều cặp vợ chồng vì quanh năm làm quần quật cho Hoàng Yến TChao mà phải ly tán.

{keywords}

Thổ ty Hoàng Yên TChao lừng lẫy một thời. Ảnh tư liệu

Ngày ấy, với phụ nữ trong làng, “Vua Mèo” dụ họ đến hầu hạ trong phủ của mình bằng những lời hứa hẹn cho cái ăn, cái mặc. Còn với thanh niên trai tráng, vị Thổ ty tàn ác bắt họ phải lựa chọn. Một là đi lính cho thực dân Pháp, hai là đến làm phu dịch hầu hạ cho mình. Sợ đi lính phải bắn giết, đa số trai bản phải cắn răng đến làm không công cho Hoàng Yến TChao. Nhân lực nhiều, hắn càng ra sức khai khẩn, chiếm đoạt thêm nhiều nương rẫy.

Bí ẩn kho báu của dòng họ Hoàng

Nhờ chế độ cai quản hà khắc và quãng thời gian dài bóc lột đồng bào không thương tiếc, Thổ ty Hoàng Yến TChao đã chiếm đoạt cho mình không biết bao nhiêu tài sản của nhân dân. Thời ấy, một mình Hoàng Yến TChao đã chiếm giữ 1/2 số đất đai cả vùng miền núi Bắc Hà. Các thửa đất cha con vị “Vua Mèo” này sở hữu hầu hết đều là những nơi màu mỡ nhất. Để thể hiện sự giàu có và uy quyền của mình, Thổ ty Hoàng Yến TChao cũng đã cho xây dựng một dinh thự uy nghi và bề thế giữa lòng cao nguyên.

Sự giàu có tột bậc của Hoàng Yến TChao đã để lại một giai thoại. Mỗi lần đi làm công qua biệt phủ uy nghi của hắn, bà con dân tộc không ngớt xầm xì bàn tán về kho vàng bạc, châu báu chất đầy trong một căn hầm nằm sâu dưới lòng đất. Bà Lái kể, khi còn nhỏ đã từng được cha mẹ dẫn đi cùng đến dinh phủ của Thổ ty Hoàng Yến TChao. “Bước đến cửa dinh thự, tôi cứ bị những bức tường bao cao vút, hai bên tường là lô cốt có lính canh phòng 24/24 giờ ám ảnh. Sân trước nhà rộng khoảng 100m2 dùng phơi toàn tiền và bạc trắng (bởi tiền ngày xưa là tiền xu và bạc trắng nên để trong kho lâu thì hay bị mốc nên thi thoảng phải đem ra phơi - PV). Đi qua những kho thóc và kho thuốc phiện ở gần nhà bếp, tôi thấy liên tiếp các nhà kho chứa lương thực và thuốc phiện”.

Chuỗi ngày sống phè phỡn trên xương máu người dân ấy chỉ kết thúc khi tỉnh Lào Cai được giải phóng vào năm 1950. Bám càng thực dân Pháp, toàn bộ gia quyến Hoàng Yến TChao (và con trai Hoàng A Tưởng) đã tháo chạy vào Đà Lạt, bỏ lại dinh thự nguy nga cùng vô vàn đất đai, tài sản tại Bắc Hà. Các bậc cao niên tại đây kể lại, trước khi đi, Hoàng Yến TChao còn ép mỗi người con mang theo một gùi vàng, bạc. Nhưng mãi đến tận sau này, người ta vẫn thắc mắc, không hiểu với cả kho của cải cướp được qua nhiều năm, Hoàng Yến TChao đã giấu đi đâu. Bởi những người con của Hoàng Yến TChao, với mỗi người một gùi vàng bạc cũng chỉ tẩu tán được một phần rất nhỏ.

Cho đến ngày nay, nhiều lời đồn đại vẫn cho rằng đâu đó trong lòng đất phía dưới dinh thự của nhà họ Hoàng vẫn còn kho của cải khổng lồ. Suốt những năm qua, nhiều người vì tin vào lời đồn đại đã tìm mọi cách đào bới nhưng đều không tìm thấy chút vàng bạc, tiền xu nào còn sót lại của tên lãnh chúa tàn bạo. Thời gian trôi đi, những tin đồn cũng lắng dần và kho báu khổng lồ ghi dấu tội ác của “Vua Mèo”, vì thế cũng vĩnh viễn trở thành một bí ẩn lịch sử.

Những cuộc ăn chơi thác loạn

Hưởng thụ sự giàu có tột cùng trên xương máu dân nghèo, Hoàng Yến TChao thường xuyên tổ chức những đêm vui chơi múa hát, uống rượu cần và hút thuốc phiện. Bà Lái nhớ lại: “Những đêm ăn chơi sa đọa ấy, các thôn nữ trẻ trung, xinh đẹp nhất ở các bản làng đều được triệu đến, bị ép phải múa hát mua vui cho đám quan lại cường hào và bọn tay sai Pháp”, bà Kim Lái kể.

(Theo Giadinh.net)