Ứng dụng Rada nhanh chóng ra mắt dịch vụ đưa người say về nhà |
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Nghị định mới tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn kể cả xe máy và xe đạp. Cụ thể, tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 4 - 6 tháng)…
Nghị định cũng ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/ 1l khí thở bị phạt tước Bằng từ 10 - 12 tháng và phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước bằng)…đồng thời bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ với mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Ngay sau khi Nghị định 100 có hiệu lực và lực lượng Cảnh sát Giao thông ra quân đồng loạt xử lý tình trạng vi phạm nồng độ cồn theo quy định của Nghị định mới, nhà phát triển ứng dụng Rada đã nhanh tay ra dịch vụ “Đưa tôi về nhà - tôi say rồi” tích hợp ngay trên ứng dụng này.
“Đưa tôi về nhà - tôi say rồi" nằm trong nhóm dịch vụ Cứu hộ giao thông được tích hợp ngay trên ứng dụng Rada. Theo đó, người dùng chỉ cần click và truy cập vào ứng dụng sau khi vừa sử dụng chất cồn. Theo đại diện Rada, dịch vụ này sẽ đưa người về nhà và đưa phương tiện về bãi đỗ mà vẫn đảm bảo an toàn cho phương tiện và tài sản của khách hàng.
Theo thông tin từ Rada, dịch vụ hiện có mức giá 300.000 đồng/lượt (bao gồm cả người và xe) đối với xe máy. Trong khi đó, mức phí đối với ô tô là 500.000 đồnglượt (bao gồm vả người và xe). Các nhà cung cấp dịch vụ của Rada với hàng trăm nghìn lượt cung ứng dịch vụ, có bằng lái xe và kỹ năng điều khiển phương tiện cam kết sẽ có mặt tối thiểu 2 người để đưa bạn và xe của bạn về nhà đồng thời có thể hỗ trợ người dùng trên đường.
Các dịch vụ, ứng dụng đưa người say về nhà không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới do chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển giao thông rất nặng. Tại Việt Nam, các dịch vụ tương tự cũng đã xuất hiện từ một vài năm trước đó. Tuy nhiên, những dịch vụ này thường có quy mô nhỏ, ít được biết đến và sử dụng.
Không chỉ Rada, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một vài nhóm tự phát được lập ra với mục đích kết nối giữa những người có nhu cầu cần tìm tài xế khi đã sử dụng các chất cồn. Các nhóm, cộng đồng này ra đời với mục tiêu kết nối dịch vụ cho người uống rượu cần tìm lái xe và lái xe nhận chở người uống rượu. Theo đó, người có nhu cầu chỉ cần cung cấp thông tin số điện thoại và địa chỉ để tìm người chở người hoặc lái xe về.
Dù vậy, có không ít ý kiến trái chiều khi cho rằng người dùng nên cẩn trọng hơn để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Nhiều người cho biết hiện nay các dịch vụ gọi xe được sử dụng khá phổ biến và người dùng có thể lựa chọn để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tại một số nhà hàng cũng bắt đầu có dịch vụ gọi xe hộ khách hàng, thậm chí có cả dịch vụ đưa khách hàng về nhà.