Những cặp cha mẹ có con bị khuyết tật hoặc tự kỷ gặp phải không ít thách thức, sức ép và căng thẳng cho cuộc hôn nhân của mình. Các nhà nghiên cứu của Mỹ cho biết tỉ lệ ly hôn trong các cặp vợ chồng có con cần tới những nhu cầu đặc biệt khá cao, nhưng chưa tới mức 80%.
Mọi cuộc hôn nhân đều có lúc thăng, lúc trầm. Còn với trẻ cần có trợ giúp đặc biệt, áp lực càng lớn hơn nữa. Ngay cả khi cha mẹ yêu con cái mình vô cùng, thì việc lo lắng hay chăm sóc, hoặc đấu tranh với vấn đề học hành của con cũng có thể khiến cha mẹ mệt mỏi và dễ cáu gắt với nhau.
Đôi khi, việc bế và ru con ngủ suốt đêm cũng khiến cha mẹ kiệt quệ về thể lực. Hay như việc các bậc phụ huynh đã dốc hết sức cho con và chẳng còn sức đâu để dành cho người bạn đời. Hoặc, các cặp đôi có thể cảm thấy chẳng còn mối giao cảm vì họ bất đồng quan điểm về việc thứ gì mới là tốt nhất cho con mình.
Trong trường hợp đó, cuộc sống hàng ngày trở nên rất khó khăn và không phải người chồng, người vợ nào cũng sẵn sàng đối phó – nhận định của Giáo sư Laura Marshak về lĩnh vực giáo dục tại Đại học Indiana của bang Pennsylvania, đồng tác giả cuốn sách “Hôn nhân với những đứa con cần trợ giúp đặc biệt: Hướng dẫn cho các cặp vợ chồng giữ giao cảm”. Tuy nhiên, bà cho rằng điều này không có nghĩa là cuộc hôn nhân sẽ vì thế mà chấm dứt.
“Họ có nhiều khó khăn hơn về mặt thời gian và các yêu cầu về tài chính, và chắc chắn là sẽ căng thẳng hơn” – Marshak nói. “Nhưng bởi vì hôn nhân khó khăn hơn, không có nghĩa là nó không thể trở nên mạnh mẽ hoặc thậm chí mạnh mẽ hơn. Mọi người hay có xu hướng đánh đồng thực tế ‘khó khăn hơn’ với ‘tệ hơn’.
Cha mẹ có thể tận dụng thời gian lũ trẻ đi học ở trường và tranh thủ hẹn hò. Ảnh minh họa: Internet |
Tất nhiên, đúng là khó khăn hơn nhiều. Nhưng cũng có thể học cách có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp trong những hoàn cảnh như vậy. Nếu như bạn biết cách điều chỉnh và thích nghi, hôn nhân của bạn có thể khá bền chặt bất chấp các khó khăn đó”.
Dưới đây là những chia sẻ của giáo sư Marshak để các cặp vợ chồng ‘giữ lửa’ khi họ có con cần trợ giúp đặc biệt.
1. Đừng chỉ tập trung tất cả vào con cái. Khi người chồng và người vợ chỉ kết nối với nhau thông qua con cái, điều này sẽ gây nên trục trặc. Các cặp đôi nên dành ra 20-30 phút mỗi ngày để giao tiếp với nhau và chủ đề không liên quan tới các con. Điều này sẽ khiến họ luôn nhớ tới người phụ nữ/ người đàn ông mà họ hằng yêu thương.
2. Chấp nhận sự khác biệt của nhau. Các cha mẹ thường hay có quan điểm khác nhau về những mong mỏi, hoặc những cách điều trị tốt nhất dành cho con mình. Người chồng/vợ có thể cảm thấy buồn lòng về những lời chuẩn đoán bệnh của con, nhưng bạn đời có thể không thể hiện điều đó theo cách tương tự.
Điều quan trọng không chỉ là tỏ ra khoan dung, mà còn phải chấp nhận quan điểm khác biệt của chồng/vợ mình. Khi nào chồng/vợ thực sự tôn trọng quan điểm của bạn đời – thay vì buộc họ phải có suy nghĩ giống như mình – thì mối quan hệ giữa đôi bên mới được củng cố.
3. Chủ động hơn trước những cơn giận chất chứa. Khi yêu cầu bạn đời tham gia công việc nhà nhiều hơn, hoặc chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống, người chồng/vợ nên đề nghị càng sớm càng tốt. Nếu như cứ chờ tới khi bản thân lên cơn giận dữ thì cũng là lúc sự oán hận đã xuất hiện trong ngôi nhà của bạn.
4. Vẫn cần sáng tạo để có thể lãng mạn. Những đêm hẹn hò tất nhiên là rất tuyệt, nhưng đó không hẳn là một phương án hay cho các cha mẹ có con cái bị khuyết tật hoặc cần chăm sóc đặc biệt. Vậy nên hãy tìm cách để có thể tìm thấy sự lãng mạn trong chính ngôi nhà của mình. Một bà mẹ chia sẻ rằng cô và chồng vẫn có thể ăn tối dưới ánh nến với các con. Hoặc cha mẹ có thể tận dụng thời gian lũ trẻ đi học ở trường và tranh thủ hẹn hò.
5. Cảm kích nỗ lực của bạn đời. Cha mẹ có thể cần phải nghĩ lại vai trò của mình thay vì cho rằng việc chăm sóc con cái chỉ là trách nhiệm của một người. Các cặp đôi nuôi con gặp hoàn cảnh khó khăn thường cảm thấy trống rỗng, hoặc bị hành hạ khi chỉ có một người làm hết mọi việc chăm nom con cái. Chia sẻ trách nhiệm và ghi nhận nỗ lực của nhau sẽ giúp vợ chồng cảm thấy đồng sức đồng lòng hơn.
Khánh Hòa (Theo Washington Post)