Nhắc đến nhà sử học Dương Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến một con người thông tuệ, lịch lãm với kiến thức khoa học uyên bác. Ít ai biết, phía sau người đàn ông luôn bận rộn với những công việc xã hội ấy là một gia đình yên ấm, tràn đầy tình yêu thương.
Gia đình hạnh phúc của nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Điều đáng nói là dù công việc xã hội, ông vẫn có những bí quyết riêng để giữ gìn hạnh phúc gia đình và dạy bảo hai cô con gái thành người. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông chia sẻ: “Bí quyết dạy con của tôi không có gì cao sang. Nó đơn giản là duy trì bữa cơm hàng ngày đầy đủ các thành viên”. Một điều tưởng chừng rất đỗi giản dị, song đã biến mất ở rất nhiều gia đình vì áp lực công việc và cuộc sống trong xã hội hiện đại.
Dạy từ điều nhỏ để con hiểu giá trị việc lớn
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, cuộc sống gia đình ông cũng bình dị như bao gia đình khác. Khác chăng chỉ là, ông có rất ít thời gian dành cho vợ, con. Xưa nay, mọi việc trong nhà đều do vợ ông- bà Thu Hằng, là một người con gái Hà Nội xinh đẹp, đảm đang vun vén. Còn ông, ông tự nhận mình chỉ dạy các con cách ứng xử và đạo lý truyền thống đáng quý của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Ông cũng khẳng định: “Cuộc đời tôi và cả gia đình tôi luôn chịu ảnh hưởng từ những nét văn hóa Hà Nội xưa. Nhiều người từng hỏi tôi: “Liệu có chán những bữa cơm gia đình dân dã, đời thường sau khi đã thưởng thức quá đủ thứ sơn hào, hải vị? Tôi lập tức trả lời: “Họ đã nhầm”. Tiệc tùng bốn phương nhưng với tôi, không có đâu ngon bằng cơm nhà. Tôi luôn ghi nhớ các món ăn của những người phụ nữ đặc biệt của đời mình. Nhất là các món tủ do mẹ tôi nấu, như khoai sọ rán chênh cùng thịt ngan ướp húng lìu đun xấp nước, giả bào ngư làm từ dạ dày cổ hũ thái miếng, ướp ván hầm với gà rán, hạt sen nấm hương. Chè ướp hoa sen và cốm sấy là những món ruột mà mẹ tôi truyền lại cho con dâu. Cốm sấy cầm trên tay phải nhẹ, xanh mới đạt tiêu chuẩn. Vợ tôi là một người con gái sinh ra và lớn lên tại phố “Hàng”. Vì vậy, bà ấy may mắn giữ được nhiều nét văn hóa Hà Nội xưa. Mùa nào thức ấy, bà đều nấu những món ngon và hợp ý tôi. Tôi vẫn được vợ đánh giá là “dễ nuôi”. Món “ruột” của tôi đơn giản là ruốc, các món rau và cà bung. Có lẽ ký ức về bữa cơm gia đình và những món ngon Hà Nội do mẹ nấu đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của tôi sau này. Thế nên dù công việc bận rộn, tôi vẫn luôn cố gắng duy trì những bữa cơm tối của gia đình”.
Nói thêm về bữa cơm gia đình, nhà sử học Dương Trung Quốc say sưa: “Theo tôi, bữa cơm trong gia đình không chỉ đơn giản là chuyện ăn uống, nạp thêm năng lượng mà còn là một hoạt động rất thiêng liêng. Đó là khoảng thời gian các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Đối với nếp sống xưa, những lúc gặp gỡ nhau tại nhà là chuyện bình thường. Nhưng khi xã hội thay đổi, phân công lao động thay đổi thì bữa cơm trở thành thời điểm quan trọng gắn kết mối quan hệ gia đình. Mâm cơm gia đình thể hiện được sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ và trách nhiệm của người đàn ông. Trong những dịp ấy, tôi thường chỉ cho các con phép tắc ứng xử của các thế hệ, tính kiên nhẫn và cách sắp xếp cuộc sống. Còn vợ tôi thì bảo cho các con gái những mẹo nhỏ trong nữ công gia chánh, khuyến khích và tán thưởng những nhận xét chính xác của các con. Trong bữa ăn đơn giản, những lời mời ăn cơm, cách dành miếng ngon cho con trẻ hay người già cũng là biểu hiện ứng xử có văn hóa và sự quan tâm của các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Vì thế, ý nghĩa của nó còn cao hơn cả những hoạt động bình thường khác trong cuộc sống. Tôi thường dạy các con những điều nhỏ nhặt như thế bên mâm cơm gia đình. Trẻ con đôi khi cũng có những sai lầm rất đáng trách. Tuy nhiên, tôi tuyệt đối không trách mắng các con trong bữa cơm. Điều đó thường được đưa ra khi cả nhà ngồi vào bàn uống trà. Lúc ấy, tôi mới phân tích cho các con điều đúng sai và để chúng tự rút ra những bài học cho chính mình”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì bữa cơm gia đình với sự giáo dục con cái. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Không để đặt lên bàn cân giá trị gia đình
Coi vợ là tri kỷ Nhà sử học Dương Trung Quốc có vợ là bà Nguyễn Thu Hằng (em gái nhạc sĩ Nguyễn Cường), một cán bộ tài vụ lâu năm tại Cục điện ảnh. Ngoài việc nấu ăn ngon, tài thu vén gia đình, bà còn là tri kỷ của ông. Cả hai có khá nhiều những điểm hòa hợp, tương đồng như yêu mùa thu có món cốm tuyệt vời, thích hoa hồng các màu, cúc tím...Hai ông bà sinh được hai người con gái, hiện nay cả người con của ông đã lập gia đình và có cuộc sống rất hạnh phúc. |
Nói chuyện xã hội rồi lại trở về chuyện gia đình, ông đúc kết: “Với gia đình tôi, có lẽ do đã gắn bó, quây quần với bữa cơm gia đình từ những ngày tháng đầu tiên chung sống, chúng tôi vẫn luôn duy trì thói quen này. Hiện nay, hai cô con gái của tôi đã lớn và ra ở riêng nên bữa cơm phần lớn là dành cho tôi và bà xã. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì bữa cơm chung của đại gia đình (bao gồm cả gia đình hai con gái và các cháu) vào những ngày cuối tuần, những dịp lễ các thành viên có thể tụ tập đông đủ. Khi đó, chúng tôi trao đổi những vấn đề trong cuộc sống, kể cho nhau nghe những điều thú vị. Cũng có khi, mọi người trong gia đình đưa ra những khúc mắc để tìm câu giải đáp hoặc cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa cũ. Các con cùng các cháu của tôi, qua những bữa cơm, luôn giữ được những nét ứng xử văn hóa. Còn tôi, nhìn vợ và các con gái trong căn bếp nhỏ, chế biến những món ăn thì luôn cảm thấy xúc động. Nếp nhà luôn được xây dựng từ những gì bình dị và đơn sơ nhất”.
(Theo Lan Chinh - Gia đình & Xã hội)