Cơn sốt 39 độ báo hiệu chuỗi ngày nhiễm bệnh
Chị Hà Thị Thuần (giáo viên ở Quận 10, TP.HCM) chia sẻ Covid-19 “ghé” nhà chị từ những ngày tháng 7. Toàn bộ 17 lô nơi chung cư chị sinh sống bị phong tỏa với một văn bản hỏa tốc ngay trong đêm.
“Tôi không bất ngờ bởi một số lô xung quanh đã phong tỏa cách đó nửa tháng và trên tuyến đường Trần Nhân Tôn nơi tôi đi làm về, xe cấp cứu đưa người đi cách ly liên tục”, chị nói.
Ngày 16/7, lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu cho toàn lô, chị và chồng xuống sân chung cư lấy mẫu. Ngày 17/7, gia đình chị ở nhà, sinh hoạt bình thường. Nhưng tối đó, chồng chị cảm thấy ớn lạnh trong người. Đêm, anh bắt đầu sốt cao.
Sáng hôm sau, anh tự cách ly trong phòng, cơn sốt có lúc lên đến 39 độ. Thời điểm đó, gia đình chị Thuần không hề nghĩ đến Covid, chỉ nghĩ do thời tiết thay đổi nên anh bị cảm lạnh. Đặc biệt trước đó 2 ngày, họ vừa được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính.
Mặc dù vậy, chồng chị Thuần vẫn cẩn thận đeo khẩu trang tự cách ly, không tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. Đồ ăn, nước uống được để ngoài cửa phòng anh để hạn chế tiếp xúc.
"Giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ các hướng dẫn theo dõi sức khỏe của các bác sĩ là chìa khóa để vượt qua bệnh tật. Tôi chỉ đọc các bài viết, kinh nghiệm để vượt qua Covid-19. Chúng tôi tuyệt đối không đọc, xem tin tức về ca nhiễm, ca tử vong, những hình ảnh gây ám ảnh", chị Thuần nhấn mạnh. |
Ngày 19/7, chồng chị Thuần đỡ sốt. Sau khi nghe về tình trạng sức khỏe, nhân viên trạm y tế khuyên anh nên ở nhà, đừng đến bệnh viện test và khám vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Nhưng cũng vào lúc này, chị Thuần có dấu hiệu bị nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Một ngày sau, chồng chị đỡ hẳn nhưng anh lại bị mất khứu giác. Dấu hiệu này khiến họ nghĩ đến chuyện có thể Covid-19 đã “ghé thăm” gia đình.
Ngày 21/7, chị và con trai đầu (6 tuổi) bị sốt. Bé được cho uống hạ sốt 6 tiếng/lần, uống nhiều nước cam và chườm mát. Dù sốt nhưng bé vẫn có thể ăn, uống và không ho, không mệt mỏi. Nhưng chị Thuần lo lắng hơn khi con gái của họ (2,5 tuổi) cũng bắt đầu có triệu chứng.
“Ngày hôm đó, con chơi đùa bình thường nhưng nửa đêm lại sốt. Tôi rất lo, thức đêm dán miếng hạ sốt ở lòng bàn chân và chườm mát cho con”, chị nhớ lại.
May mắn những ngày sau đó, các con chị đỡ dần và không bị sốt lại. Nhưng người phụ nữ sinh năm 1988 này lại bắt đầu sốt nhiều hơn, đau đầu và toàn bộ cơ thể. Chị sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau 5-6 tiếng/lần, uống 500mg không giảm, chị uống 650mg, dạng viên.
Ngày 24/7, 3 thành viên trong gia đình họ ổn dần, riêng chị Thuần vẫn đau đầu, mỏi mệt. Nấu cơm không cảm thấy mùi, đặc biệt nước mắm – mùi nặng nhất, chị cũng không ngửi được. Chị biết mình đã bị mất khứu giác.
“Ăn cơm, tôi cảm nhận được vị nhưng không thấy mùi dẫn đến ăn không ngon, chán ăn. Cơ thể ốm, mệt lại ăn không được khiến tôi chán nản, thở dài. Ngay lúc đó, chồng tôi nhắc nhở. Anh nói bao nhiêu người già, người bệnh nền dù mắc Covid, họ vẫn lạc quan, cố gắng vượt qua. Chúng tôi là những người trẻ không được phép thở dài, bi quan”, chị Thuần nhớ lại.
Chồng cố gắng thay đổi món để chị Thuần ăn lấy sức. Dù ăn không ngon, chị vẫn cố không bỏ bữa để tăng sức đề kháng. “Đôi lúc tôi muốn nôn ói hết ra nhưng vẫn phải cố. Tôi cũng không muốn chồng áp lực, anh nấu ăn, chăm sóc gia đình cả ngày nên bản thân cố gắng ăn uống để anh yên tâm”.
1 tháng chống lại Covid-19 của gia đình 4 F0
Nhưng cơn mệt mỏi vẫn kéo dài, ngày 26/7, chồng chị Thuần liên hệ để chị đến bệnh viện xét nghiệm. Lúc này, chị cũng đoán 70%, họ đã là F0. Vào bệnh viện, nhân viên y tế lấy mẫu lần 1, chị ngồi chờ. 10 phút sau, họ gọi vào lấy lần 2 rồi lần 3. Kết quả, chị dương tính với SARS-CoV-2.
“Tôi không quá hoang mang vì đã xác định với 4 triệu chứng cơ bản rồi. Nhân viên y tế dặn: “Bây giờ chị khai báo trong vòng 14 ngày qua làm gì, đi đâu? Chị cứ từ từ suy nghĩ và khai báo ngắn gọn thôi nhé’”, chị kể.
Hai con của chị Thuần rất hợp tác với mẹ như súc miệng, khử khuẩn tay, vận động... trong thời gian cả nhà dương tính với SARS-CoV-2. |
Sau đó, nhân viên y tế dặn chị nộp giấy cho trạm y tế phường để họ xử lý, đi thẳng về và không tiếp xúc với ai. Lý do chị Thuần được về và không cách ly tại bệnh viện là do tải lượng virus thấp, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Chiều hôm đó, 17h, cả gia đình chị Thuần được phường lấy mẫu xét nghiệm.
“Qua test nhanh, cả nhà tôi dương tính. Bất ngờ ở chỗ là chồng và 2 con tôi đã không còn triệu chứng 7 ngày nay nhưng vẫn dương tính. Đây là điều nguy hiểm của biến thể Delta lần này, vì rất nhiều F0 không biết mình là F0 cho đến khi trở nặng”, chị nói.
Dù vậy, cả gia đình họ vẫn động viên nhau lạc quan vì đã sống chung với covid được 10 ngày qua. Họ ăn đầy đủ, ăn thêm hoa quả, uống vitamin và vận động thường xuyên. Chị cũng nhờ người nhà mua thức ăn để trước cửa, lấy túi bóng buộc kín lại, xịt khử khuẩn rồi mới mang vào nhà và sau đó rửa sạch toàn bộ dưới vòi nước. Cả gia đình cũng thường xuyên súc miệng, rửa tay và tuân thủ các nguyên tắc 5K khác.
Không chuẩn bị được máy đo SpO2, chị kiểm tra sức khỏe theo cách đếm nhịp thở. Chị cũng mở cửa để tạo môi trường thông thoáng, xịt khuẩn hàng ngày ở cửa và lau dọn hàng ngày phía trong nhà.
“Điều may mắn là chúng tôi được ở cùng để chăm sóc, động viên nhau. Giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ các hướng dẫn theo dõi sức khỏe của các bác sĩ là chìa khóa để vượt qua bệnh tật.
Tôi chỉ đọc các bài viết, kinh nghiệm để vượt qua Covid-19. Chúng tôi tuyệt đối không đọc, xem tin tức về ca nhiễm, ca tử vong, những hình ảnh gây ám ảnh. Đây là cách tôi giữ tinh thần bình tĩnh để không hoang mang và hoảng sợ, suy nghĩ tiêu cực”, chị nói.
Chị Thuần cũng chia sẻ khuyến cáo chăm sóc F0 thể nhẹ tại nhà của trường DH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. |
Chồng lấy lại khứu giác chỉ sau 2-3 ngày nhưng với chị Thuần khoảng thời gian đó là 1 tuần.
Chị lo lắng sẽ bị mất khứu giác vĩnh viễn nên khi ngửi được mùi sả, chanh dù rất nhẹ, chị đã hét lên “khoe” với chồng. Dần dần những ngày sau, khứu giác ổn định và chị thấy sức khỏe tốt dần lên.
Ngày 11/8 và ngày 15/8, lần lượt chị, chồng và 2 con được yêu cầu đi test lần 2. Kết quả âm tính khiến họ thở phào vì trải qua 1 tháng, gia đình vẫn bình yên khi bị Covid-19 “ghé thăm”.
“Với tốc độ lây lan nhanh của chủng này, bạn có thể là F0 bất cứ lúc nào. Khi là F0, bạn lạc quan nhưng không được chủ quan. Bạn cần hiểu cơ thể, sức đề kháng mỗi người rất khác nhau, không phải cứ trẻ con hay người trẻ là sẽ không sao.
Bạn luôn phải lắng nghe, phải hiểu cơ thể mình và theo dõi nó hàng ngày. Gia đình cũng cần lưu số điện thoại bác sĩ, y tế khu vực để làm chiếc “phao” lúc khẩn cấp”, chị Thuần chia sẻ sau chuỗi ngày vượt qua Covid-19 đáng nhớ.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Ngọc Trang
Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn
Chị Phương Uyên không ngờ “cơn bão Covid-19" ập đến nhà mình nhanh như vậy. Chỉ vài ngày, 4 người trong gia đình đều trở thành F0, phải cách ly, điều trị ở các nơi khác nhau.