- Công việc "đào tạo" một người chồng mà từ bé được chăm sóc như “cục cưng” đến tận răng rồi trở thành một người chồng biết san sẻ, lo toan việc nhà quả là khó khăn với nhiều chị em, nhất là khi phải ở cùng nhà chồng.
Công cuộc "luyện chồng" này thành công đến đâu còn phụ thuộc vào tay nghề “huấn luyện”, sự kiên nhẫn, khôn khéo của từng chị em để chồng hiểu, sẻ chia công việc với mình, vừa không mất lòng gia đình nhà chồng.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, cũng giống như chữa bệnh, việc “luyện chồng” (thực chất cũng là chữa những sai lầm trong phương cách giáo dục mà anh ta tiếp nhận từ khi sinh ra đến lấy vợ) nên thực hiện càng sớm càng tốt thì mới mong có kết quả khả quan. Chị em nên tiến hành ngay từ khi lên kế hoạch kết hôn với đối phương, cùng lắm là ra tay lúc anh chàng vừa “lơ ngơ” bước chân vào cuộc sống gia đình mới mong có được một ông chồng biết chia sẻ việc nhà, có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con.
Dưới đây là một vài "bí kíp" giúp chị em thành công trong công cuộc “luyện chồng”:
“Tẩy não” - việc nhà không của riêng phụ nữ
Hầu hết đàn ông đều thích làm việc “đại sự”, bàn chuyện “vĩ mô” và mặc định rằng việc nhà – việc vặt - là dành riêng cho phụ nữ. Thế nên đa phần các anh chàng trước khi lấy vợ thường chả biết làm việc nhà, và cũng sẽ muôn đời không biết làm nếu không được… vợ dạy! Nếu em không chấp nhận làm osin suốt đời cho anh ta thì hãy “nổi dậy” ngay từ bây giờ. Hãy “tẩy não” cho chàng rằng em cũng phải đi làm kiếm tiền, cớ gì mà hết giờ làm em lại phải gánh vác toàn bộ việc nhà còn chàng nằm khểnh lướt net hay xem tivi chờ cơm. Hãy cho chàng hiểu rằng việc chàng phơi quần áo, rửa bát hay lau nhà chẳng làm chàng bớt “nam tính” đi mà ngược lại đó là một hành động rất “nhân văn”, một quan điểm sống rất hiện đại… trong thời đại này.
Giúp chồng hiểu việc nhà không của riêng phụ nữ (Ảnh minh họa) |
Cầm tay chỉ việc - kiên trì và nhẫn nại
Đàn ông chẳng giỏi đoán ý mà đàn bà lại chúa hay vòng vo nên mâu thuẫn cứ chất chồng, giận dỗi cứ triền miên là thế. Muốn chồng làm việc gì, em hãy yêu cầu cụ thể, chỉ dẫn rõ ràng, thậm chí là phải làm mẫu. Hãy cho chàng cơ hội thử các công việc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, đừng làm ngược lại, tỷ lệ thất bại càng cao sẽ càng khiến chồng em nản, bỏ cuộc và kế hoạch của em sẽ phá sản nhanh chóng.
Phân chia rõ ràng - chia sẻ chứ không chuyển giao
Sẽ thật khó khăn (và khó coi) nếu ngày nào em cũng dụ chồng rửa bát để em nằm khểnh xem phim, dụ chồng lau nhà trong lúc em ngồi sơn sửa móng… Trừ phi chồng em thuộc tuýp “đội vợ lên đầu”, còn không anh ta sẽ “phản kháng”. Để duy trì mối quan hệ “bình đẳng” lâu dài trong hôn nhân thì em cần chia sẻ việc nhà với chồng chứ không chuyển giao toàn bộ sang vai chàng. Hãy phân chia công việc rõ ràng, ví dụ khi vợ nấu cơm, chồng sẽ tưới cây, khi vợ rửa bát chồng sẽ dọn bàn ăn, vợ giặt quần áo thì chồng sẽ phơi và gấp, chồng hút bụi thì vợ sẽ lau nhà.... Cứ dần dần tạo thành nếp như thế, khi có con em sẽ dễ dàng dụ chồng vào việc chăm và dạy con tốt hơn. Hãy cho chồng thấy chẳng có việc gì là không làm được nếu ta chịu làm và chịu khó học hỏi thêm.
Hãy biến chồng bạn thành một người chồng biết nội trợ |
Sức mạnh của sự mềm mỏng
Hãy dịu dàng và nhẹ nhàng nói với anh ấy bằng tình yêu và sự kính trọng. Hãy cho anh ấy hiểu rằng anh ấy mạnh mẽ và là người tuyệt vời nhất. Khi anh ấy biết rằng bạn chú ý tới những phẩm chất và sự độc đáo của anh ấy, anh ấy sẽ rất hài lòng.
Hãy đào tạo chồng bằng sự dịu dàng, tình yêu và sự kính trọng |
Mong muốn là của bạn – quyết định là của anh ấy
Hãy làm sao cho anh ấy tin rằng đó hoàn toàn không phải chỉ là mong muốn của bạn mà là quyết định riêng của anh ấy. Và phải hết sức khéo léo. Đừng thuyết phục anh ấy một cách quá rõ ràng theo kiểu bắt anh ấy phải ngồi nghe bạn thuyết trình. Hãy làm sao cho anh ấy nghĩ rằng đó chính là ý của anh ấy. Nếu là một người đàn ông biết suy nghĩ và đã trưởng thành, anh ấy sẽ lắng nghe thêm về mọi việc và không muốn làm cho bạn bất ổn.
Giúp anh ấy thấy mình trở nên mạnh mẽ
Hãy thể hiện sự yếu đuối của mình. Thay vì ra lệnh: “Anh đi đổ rác đi, nếu bạn nói: “Bịch rác nặng quá, anh đổ giùm em với” chắc chắn sẽ có tác dụng nhiều hơn. Đàn ông rất thích thú khi thấy rắng anh ấy cần thiết và hữu ích với bạn và chẳng ai có thể giúp bạn được nhiều như anh ấy. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải hết sức cẩn thận với phương pháp này. Đừng dùng biện pháp “anh mạnh, em yếu” cho những chuyện vô lý. Thí dụ như nếu bạn nói: “Anh xách giùm em cái túi, nó nặng quá” thì anh chồng sẽ nhận ngay ra là bạn đang ranh mãnh chứ chẳng phải là ngợi khen gì anh ta. Còn nếu là để nhờ anh ấy sửa cái xe máy và khẳng định rằng ngoài anh ấy chẳng ai giúp bạn được như thế thì đó mới là lời khen thực sự. Hãy chỉ ca ngợi những gì có thật!
Điều khiển nhau trong gia đình là những việc làm hết sức tinh tế mà bạn cần phải có sự cẩn trọng, cân nhắc: mong muốn ra lệnh và sai khiến người đàn ông của mình chỉ dẫn đến sự đổ vỡ. Một chút khôn ngoan sẽ giúp bạn đạt tới cân bằng và hài hòa trong cuộc sống riêng.
Thu An (Tổng hợp)