Trong phần tiếp theo của bài viết "Thầy giáo 4 triệu USD", tác giả Amanda Ripley phân tích đặc điểm của những người thầy này. Ông cũng đặt ra vấn đề với hệ thống trường công lập. Và câu trả lời không có gì khác hơn là cải tổ mạnh mẽ.
Xem phần trước tại đây.
Giáo viên: Những cá nhân tự do
Sự khác biệt cơ bản nhất giữa các trường truyền thống và các hagwon là ở hagwon, học sinh được chọn giáo viên.
Vì thế, những người có uy tín nhất sẽ nhận được nhiều giáo viên nhất. Thầy Kim có khoảng 120 học sinh theo dõi trong mỗi bài giảng. Thị trường tư nhân của Hàn Quốc đã đưa giáo dục xuống còn một nhân tố quan trọng nhất, đó là giáo viên.
Nó đang tiến lại gần hơn chế độ nhân tài thuần túy như nó có thể. Ở hagwon, giáo viên là những cá nhân tự do. Họ không cần được công nhận. Họ không có bất cứ lợi ích gì hay thậm chí là một mức lương cơ bản cố định. Thu nhập dựa trên khả năng của họ và hầu hết đều làm việc nhiều giờ và được trả ít hơn các giáo viên trường công lập.
Khả năng của họ được đánh giá dựa trên số lượng học sinh theo học, điểm số của học sinh và mức độ hài lòng của học sinh và phụ huynh. “Giáo viên của bạn có nhiệt huyết không?”, “Giáo viên của bạn có chuẩn bị bài giảng chu đáo không?” là những câu hỏi trong bản khảo sát của một hagwon.
Những câu trả lời này chiếm 60% bản đánh giá giáo viên. (Năm 2010, các nhà nghiên cứu của Qũy Bill & Melinda Gates Foundation phát hiện ra rằng những bản khảo sát này rất đáng tin cậy và sát với khả năng giảng dạy của các giáo viên Mỹ, tuy nhiên phần lớn các trường Mỹ vẫn chưa sử dụng bảng khảo sát này).
Học sinh Hàn Quốc ôn luyện cho kỳ thi ĐH |
Học sinh 'là Thượng Đế'
“Học sinh là khách hàng” – bà Lee khẳng định. Để thu hút học sinh, các hagwon phải quảng cáo thành tích của mình.
Họ đăng tải điểm số và tỷ lệ đỗ đại học của các cựu học sinh trên mạng và ở cổng các cơ sở hagwon trên những tấm áp phích lớn. Thật là ngạc nhiên khi được thấy sự cởi mở này.
Ở Mỹ, mặc dù mọi người đề cao những bài kiểm tra tiêu chuẩn nhưng kết quả vẫn rất khó hiểu và khó giải thích với các phụ huynh.
Một khi học sinh đã ghi danh vào lớp học thì hagwon bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống gia đình họ. Phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn thông báo khi con cái họ tới trường vào mỗi buổi chiều, sau đó lại là một tin nhắn khác thông báo sự tiến triển trong học tập của học sinh.
Cứ 2-3 lần/ tháng, các giáo viên gọi điện về nhà học sinh để nhận xét, đánh giá quá trình học tập. Vài tháng một lần, giám đốc hagwon cũng sẽ gọi điện trực tiếp tới gia đình học sinh.
Ở Hàn Quốc, nếu không thu hút được học sinh thì coi như đó là một thất bại của các nhà giáo dục, chứ không phải lỗi của gia đình.
Nếu giáo viên đạt điểm đánh giá thấp hoặc quá ít học sinh, họ sẽ bị “án treo”. Mỗi năm, bà Lee lại sa thải khoảng 10% giáo viên. (Trong khi đó, trường học Mỹ sa thải khoảng 2% giáo viên trường công hằng năm vì trình độ kém).
Tất cả những áp lực này tạo động lực thực sự cho giáo viên, ít nhất là theo quan sát của bọn trẻ.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2010 ở 6.600 học sinh của 116 trường trung học được tiến hành bởi Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc, học sinh nước này chấm điểm các giáo viên ở hagwon cao hơn những giáo viên ở trường công: giáo viên hagwon chuẩn bị kỹ càng hơn, tận tâm hơn và tôn trọng quan điểm của học sinh hơn – nhiều học sinh cho biết.
Thú vị hơn là giáo viên hagwon đối xử công bằng với tất cả học sinh bất kể kết quả học tập của mỗi học sinh như thế nào.
Tích cực thử nghiệm công nghệ mới
Giáo viên của hagwon cũng thường thử nghiệm những công nghệ giảng dạy mới.
Trong một cuốn sách về chủ đề này xuất bản năm 2009, giáo sư Mark Bray của ĐH Hồng Kông đã kêu gọi các quan chức chú tâm hơn tới sức mạnh của thị trường"giáo dục bóng tối".
“Các nhà hoạch định chính sách nên đặt câu hỏi tại sao phụ huynh lại sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn để bổ sung kiến thức sau khi đã học ở trường” – ông viết. “Ít nhất trong một số nền văn hóa, giáo viên dạy kèm cũng mạo hiểm hơn và chiều khách hàng hơn”.
Trường công làm gì để không thua cuộc?
Tuy nhiên, học sinh có thực sự học được nhiều hơn ở hagwon hay không? Đó là một câu hỏi khó cần phải trả lời.
Trên thế giới, các nghiên cứu cho thấy chất lượng bài giảng ở các trung tâm có ý nghĩa hơn là học phí.
Và giá cả ít nhất cũng đi liền với chất lượng – đó cũng chính là vấn đề. Những đứa trẻ gia đình khá giả nhất có thể chi trả cho hình thức gia sư một thầy một trò và giáo viên lúc này là những người có uy tín nhất, trong khi những đứa trẻ khác phải học ở những những lớp học rất đông và giáo viên thì có uy tín kém hơn, hoặc ít tiền hơn nữa thì tham gia các lớp học thêm miễn phí ở trường công.
8/10 phụ huynh Hàn Quốc nói rằng họ cảm thấy áp lực tài chính từ mức học phí của các trường hagwon. Tuy vậy, hầu hết phụ huynh vẫn tiếp tục chi trả vì họ tin rằng họ càng chi nhiều tiền thì con cái họ học càng giỏi.
Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng kiềm chế thị trường giáo dục tư nhân.
Các chính trị gia đã áp đặt lệnh giới nghiêm và nhiều quy định đối với các trường hagwon, thậm chí những năm 80 còn cấm hoàn toàn hoạt động của các trường này. Mỗi lần như vậy, hagwon lại quay trở lại mạnh mẽ hơn.
“Giải pháp duy nhất là cải thiện hệ thống giáo dục công” – thầy Kim lặp lại nhận định của Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc và các học giả khác. Nếu phụ huynh tin tưởng vào hệ thống trường công, họ sẽ không dễ dàng trả học phí cao cho các trường dạy kèm.
Để tạo được niềm tin đó, thầy Kim cho rằng cần phải trả cho các giáo viên trường công theo năng lực của họ như các hagwon đã làm.
Nếu làm được như vậy thì nghề giáo có thể thu hút được những người xuất sắc nhất và phụ huynh sẽ biết rằng những người thầy tốt nhất chính là những người đang dạy dỗ con cái họ ở trường công, chứ không phải là những người đang đứng trên bục giảng của các trung tâm dạy kèm tràn ngập khắp các con phố.
Các trường công có thể xây dựng niềm tin bằng cách đối thoại tích cực với các phụ huynh và học sinh – cách mà các doanh nghiệp Mỹ đã làm để tạo ảnh hưởng lớn.
Nhà trường có thể thường xuyên khảo sát học sinh về các giáo viên nhằm tìm cách giúp giáo viên tiến bộ, chứ không phải để làm nản lòng họ.
Lãnh đạo nhà trường phải cố gắng để học sinh có sự tiến bộ rõ ràng hơn như hagwon đã làm, đồng thời cũng phải giao bài tập về nhà khó hơn cho học sinh. Các chương trình đào tạo giáo viên có thể chọn lọc và nghiêm túc hơn. Giáo viên phải tạo niềm tin và uy tín trước khi bước vào lớp học.
Không có quốc gia nào trả lời được mọi vấn đề. Nhưng trong một nền kinh tế toàn cầu được định hướng bởi thông tin thì có một số sự thật không thể phủ nhận: trẻ em cần biết cách suy nghĩ phản biện trong môn Toán, Đọc và Khoa học.
Chúng cần phải nỗ lực, phải học cách thích nghi bởi vì trẻ sẽ phải làm điều đó trong cả cuộc đời sau này. Những yêu cầu này đòi hỏi các trường công phải thay đổi, hoặc là thị trường tự do sẽ làm việc đó thay họ.
Bài viết của tác giả Amanda Ripley, đăng tải trên Wall Street Journal.
- Nguyễn Thảo (dịch)