- Nếu quá bận rộn, bạn chỉ cần dành 30 phút mỗi ngày cùng con đọc sách, chơi các trò chơi không điện tử như lắp ráp, vẽ, nặn đất sét, ô quan, năm mười… là đủ để tạo dựng mối quan hệ tốt với con và truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm sống cho con.

“Mình có phải là bố mẹ tốt”, “làm sao để trở thành cha mẹ tuyệt vời” là câu hỏi của rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện đại. Cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn điều tốt đẹp cho con trẻ nhưng họ lại không biết như thế nào mới là tốt cho con. Chia sẻ của chị Phoenix Ho, tác giả cuốn sách “Mẹ dắt con đi” sẽ giúp các bậc cha mẹ tự tìm ra câu trả lời. Tác giả Phoenix Ho có hai bằng thạc sĩ, một cho Giáo dục (Úc), và một về Tư vấn và phát triển nghề nghiệp (Mỹ).

{keywords} 

30 phút chất lượng bên con

PV: Cuộc sống hiện đại khiến phụ nữ bận rộn và nhiều mối quan tâm hơn, điều đó cũng có nghĩa thời gian họ dành cho gia đình và con cái ngày càng ít đi. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp thời gian giữa công việc, nhu cầu cá nhân để có thời gian bên con? Theo chị, mỗi ngày mẹ nên dành bao nhiêu thời gian cho con là đủ?

Phoenix Ho: Theo kinh nghiệm của riêng bản thân mình thì mình luôn cố gắng mỗi ngày có ít nhất là 30 phút thời gian chất lượng dành cho con. Dĩ nhiên nếu hơn được vậy thì tốt, nhưng sẽ rất khó với một người mẹ đi làm toàn thời gian. Quan trọng là cách mình dùng 30 phút này với con như thế nào. Mình gọi đó là thời gian chất lượng giữa các thành viên trong gia đình với nhau, đòi hỏi mọi người trò chuyện, chia sẻ, cảm nhận sự hiện diện của nhau. Do đó, cùng nhau ngồi xem TV hay chơi video game không được tính vào thời gian này. Những hoạt động như cả nhà ngồi ăn tối với nhau, đọc sách cho nhau nghe, kể chuyện trong ngày, chơi các trò chơi không điện tử như lắp ráp, vẽ, nặn đất sét, ô quan, năm mười,… đều có thể được coi như là thời gian chất lượng.

Mình làm được điều này vì mình không làm việc nhà trong ngày thường (bao gồm nấu ăn tối, giặt đồ, ủi đồ, lau nhà, …). Mình may mắn vì điều kiện cho phép có một người quản gia tuyệt vời. Mình không cần phải nấu cơm sau khi tan sở do đó mình có thể lăn ra sàn chơi với Gấu ngay khi về đến nhà. Thường khi con còn nhỏ, cha mẹ vừa về nhà là trẻ muốn mình chơi với nó ngay. Nếu phải bận rộn những việc bếp núc, người lớn sẽ không đáp ứng nhu cầu được yêu thương và chơi của trẻ ngay. Do đó, trẻ sẽ mè nheo, bị mắng, người lớn mệt, cáu, và cuối cùng kết quả không tốt lắm.

Có lần một bạn đồng nghiệp mình tâm sự rằng ngày nào khi về con gái cũng mè nheo, đòi mẹ khi mẹ nấu nướng bữa cơm tối, và cuối cùng là mẹ thì mệt, con thì khóc, không khí nặng nề. Mình đề nghị cô ấy hãy nấu sẵn thức ăn vào hôm trước bỏ vào tủ lạnh, chỉ bắc nồi cơm điện khi về nhà, bản thân bạn ấy thì ăn nhẹ cái gì đó trước khi rời chỗ làm. Sau đó, khi về nhà thì lôi đất sét ra nặn với con, hay tô màu, hay làm gì đó bên cạnh con khoảng 30 phút. Trong thời gian này, đừng để tâm vào bất cứ một việc gì khác, hãy cười với con, đùa với con, lắng nghe chăm chú từng lời con. Bạn ấy thử nghe theo mình, và một tuần sau gọi điện thoại nói rằng những buổi chiều bây giờ khác hẳn. Con bạn vui vẻ, bạn thấy thoải mái, và quan trọng là cả nhà đầy tiếng cười. Bạn kể rằng sau khi bạn chơi với bé 30 phút, hình như bé đã đủ rồi, cho nên sau đó bạn có đi làm gì thì bé cũng không nhõng nhẽo khóc lóc hay bám mẹ như ngày xưa.

Một người bạn khác vẫn thích nấu buổi tối cho chồng con, nên chị ấy bàn với ông xã để anh ấy về nhà cùng lúc, trong lúc chị nấu ăn thì anh ấy chơi với bé, và hiệu quả cũng tương tự. Bé vui, cha vui, và dĩ nhiên lúc đó thì mẹ rất hạnh phúc.

Mình cũng quan điểm rằng người mẹ người cha phải dành thời gian cho bản thân để chăm sóc sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần thì mới làm tốt vai trò cha mẹ được. Do đó, cha mẹ nên sắp xếp sao cho có giờ tập thể dục mỗi ngày hay cách ngày, có thời gian ngắn để thư giãn hay giải trí cuối tuần (dù chỉ đơn giản là ra ngoài gội đầu, chơi thể thao, mátxa chân hay đi dạo nhà sách,…)

Sau khi có Gấu, nhu cầu cá nhân của mình chỉ gói gọn trong vài điều sau: được matxa một tiếng vào cuối tuần, được gặp bạn thân để tâm sự mỗi tháng một lần, được đọc sách sau khi Gấu ngủ mỗi đêm. Ngoài ra, mình dành hết thời gian rảnh cho Gấu, và mình thực sự thích như vậy. Xin chia sẻ thêm là bản thân mình khi còn trẻ rất ham chơi, thích hoạt động xã hội, thích gặp gỡ bạn bè, thích du lịch và sống ở nước ngoài. Trong những năm 20 tuổi, mình đã làm hết những điều mình thích làm, do đó khi làm mẹ ở tuổi 31, mình đặt vai trò này lên hàng đầu, và không hề buồn khi hết được đi chơi khuya với bạn bè, hết được du lịch bụi, vv…

{keywords}

Phoenix Ho.

Có vị chuyên gia tâm lý cho rằng, thời gian mẹ ở bên con nên dùng để tạo dựng mối quan hệ tốt với con, lắng nghe con chứ không phải để dạy. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

- Thật ra mình nghĩ rằng đứa trẻ như cây non, thời gian tốt nhất để chăm bón, ảnh hưởng, gieo trồng những giá trị sống của bản thân mình cho con tốt nhất là từ khi con còn bé đến lúc con 12 tuổi. Sau đó, con sẽ bắt đầu bị ảnh hưởng rất nhiều từ xã hội xung quanh. Có lẽ vị chuyên gia tâm lý mà bạn nhắc đến ở trên muốn nói đến việc không nên suốt ngày dạy dỗ la mắng con làm con xa cách mình. Chứ đối với mình, bất cứ phút giây nào tương tác với con, trò chuyện và lắng nghe, đều là cơ hội tốt để mình nuôi dưỡng tâm hồn con, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm sống của mình cho con, và giáo dục con mà. Có lẽ, điều quan trọng là cách mình truyền đạt bằng hành động của chính bản thân, bằng những mẩu chuyện nhẹ nhàng, và tiếng cười nữa. Trẻ con học rất nhanh khi bé cười.

Theo chị, như thế nào là người mẹ lý tưởng đối với con trẻ?

- Cái đó thì chắc phải để con lớn lên rồi mới cho mình biết được rằng mình đã làm mẹ tốt hay không. Đối với mình, mình muốn làm một người mẹ có thể yêu thương, dẫn dắt con khi con còn nhỏ, tạo điều kiện cho con từng bước trưởng thành, giúp con có những năng lực cần thiết để có thể thành công trong cuộc sống riêng sau này như khả năng tự lập, khả năng quyết định, khả năng hiểu rõ bản thân, và có mục tiêu sống rõ ràng. Mình muốn làm một người mẹ mà khi con cần mình ở đó hỗ trợ con, và khi con đủ sức đứng một mình thì hãy tránh ra để cho con không gian phát triển. Vì vậy, mình cũng muốn có một mục tiêu sống riêng, lý tưởng riêng của mình, mà không lấy con làm mục tiêu sống của cuộc đời mình. Theo mình, thương yêu con và lấy con làm mục tiêu sống là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Mình nhớ một lần khi Gấu mới 5 tuổi. Khi tắm cho con mình thấy một vết trầy ở cổ, hỏi thì mới biết Gấu bị bạn trong lớp cào. Nhưng Gấu nói hãy để con tự giải quyết, con đã nói chuyện với bạn, và nếu cần con sẽ tự nói với cô giáo. Dù lúc ấy rất lo, nhưng mình vẫn tôn trọng quyết định con. Sau lần ấy, bất cứ có chuyện gì Gấu cũng tâm sự với mình, vì Gấu biết mình sẽ tôn trọng quyết định của Gấu. Mình cũng hay kể con nghe về công việc ở trường của mình, khi gặp sinh viên thì giới thiệu cho con chào các anh chị. Do đó, Gấu biết mình yêu công việc, và Gấu rất hãnh diện về điều đó.

Nói rõ với con những điều mẹ muốn

Rõ ràng để trở thành một người mẹ tốt thì không chỉ bản năng là đủ mà rất cần đến kỹ năng. Theo chị, làm thế nào để người lớn có kỹ năng dạy con tốt, trở thành một người mẹ tốt?

- Vậy thì lấy ví dụ về khả năng nấu ăn nhé. Phần lớn chúng ta, nam hay nữ, đều có thể nấu được một vài món để ăn hàng ngày. Nhưng chỉ những ai thật sự yêu thích nấu ăn, tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm, thì mới nấu ngon được. Tương tự như vậy là kỹ năng làm cha mẹ. Thông thường, phần lớn chúng ta làm cha mẹ theo cách chúng ta thấy và được nuôi dưỡng từ nhỏ. Để có thể làm tốt vai trò này, cũng như nấu ăn, các bậc cha mẹ phải yêu thích công việc này, tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm, học hỏi liên tục thì mới từ từ làm tốt được.

Nhiều vị phụ huynh chia sẻ rằng, họ cũng biết điều này, điều kia là tốt cho con nhưng lại không thể biến suy nghĩ thành hành động. Lời khuyên cho các mẹ là gì?

- Mình nghĩ rằng mỗi người nên xác định rõ những nguyên tắc và giá trị mà bản thân muốn trong vai trò làm cha mẹ, sau đó theo sát những nguyên tắc và giá trị ấy, khi cần thì điều chỉnh cho phù hợp với con mình. Nguy hiểm nhất, theo mình, là trường hợp bản thân cha mẹ chưa xác định được những nguyên tắc và giá trị trên, vì vậy thường hay nghe và làm theo những chỉ dẫn của người khác. Điều này dễ gây ra một phong cách loạn, làm cho trẻ và bản thân cha mẹ bối rối trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Mình lấy ví dụ bản thân nhé, vì đã xác định từ đầu là kỷ luật con theo học thuyết giá trị sống, nên mình sẽ không theo quan điểm kỷ luật khác như là ‘thương cho roi cho vọt'. Như vậy, dù nghe những ví dụ rất hay của người khác về quan điểm ‘thương cho roi cho vọt,’ thì mình cũng sẽ không nghe theo. Điều này giúp mình rất nhiều trong vai trò làm mẹ. Dĩ nhiên điều kiện đầu tiên là mình phải hiểu rõ về học thuyết giá trị sống, đã thử nghiệm, thực hành, và thấy hiệu quả của nó trước khi dùng.

Chị từng chia sẻ rằng “Mẹ yêu con thì con cũng phải yêu mẹ. Tình cảm của hai mẹ con cũng cần phải có sự tương tác qua lại với nhau”. Làm thế nào để hướng đứa trẻ cũng biết yêu thương mẹ?

- Theo mình thì điều này rất đơn giản, đó là mình phải cho con biết mình muốn gì, phải diễn đạt đòi hỏi của mình rõ ràng, chi tiết, và khi con thực hiện được, mình cám ơn và khen ngợi con. Phoenix nghĩ rằng trẻ con cũng tương tự người lớn, khi mình muốn điều gì ở họ thì phải nói rõ ra, và khi họ làm, thì mình khen và tỏ lòng trân trọng hành động của họ. Đừng để điều mình muốn trong bụng và bắt họ đoán, điều đó làm họ mệt, mà mình cũng buồn vì cứ mong mà chẳng được thoả mãn.

Khi giải quyết các tình huống phạm lỗi của con, hiện có hai tư tưởng phổ biến là “thương cho roi cho vọt” và “không dùng roi vọt”, chị theo trường phái nào?

- Khi bắt đầu làm mẹ, mình cũng bắt đầu công tác trong vai trò tư vấn dưới sự chỉ dẫn của một sếp nữ lớn tuổi hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, và xuất thân từ ngành tâm lý. Chị dặn mình là đừng bao giờ đánh con, vì những ảnh hưởng của sự trừng phạt trên cơ thể rất tiêu cực cho con trẻ sau này. Mình tìm hiểu và đồng ý với quan điểm của chị. Do đó, mình hứa với bản thân là không bao giờ đánh con.

Sau đó, mình được học hỏi thêm và hiểu được sự khác biệt giữa việc kỷ luật những hành động sai trái của con và kỷ luật con người con. Mình nhận ra rằng mình có thể ghét bỏ những hành động sai trái của con chứ không nên ghét bỏ con người con. Nghe có vẻ phức tạp. Mình cho ví dụ nghen. Khi con làm sai điều gì, hay nói sai câu gì, mình sẽ nói, “Mẹ không chấp nhận hành động đó của con vì…; Mẹ không chấp nhận câu nói đó của con vì… Mẹ muốn con xin lỗi mẹ ngay lập tức”, chứ mình sẽ không nói: “Con hư quá. Con lì quá. Mẹ chẳng yêu được con". Sự khác biệt ở đây là mình tách hành động con ra khỏi con người con. Và mình chỉ phê bình và kỷ luật hành động, như vậy, con sẽ học cách sữa chữa lỗi lầm của bản thân, mà không cảm thấy mất tự tin hay bị ghét bỏ vì lỗi lầm của con.

Kim Minh (thực hiện)