Theo BBC, gã đàn ông trên cho hay, đã nhận diện được ga tàu phản chiếu trong mắt của nữ ca sĩ trong một bức ảnh tự sướng mà cô này đăng tải trên mạng.
Tiếp đó, nam giới 26 tuổi này chờ ở nhà ga cho tới khi thấy nạn nhân và theo cô này về tận nhà, cảnh sát cho hay.
Vụ việc trên làm dấy lên các cuộc tranh luận về mối đe doạ xuất phát từ việc sử dụng internet hoặc các phương tiện điện tử khác để theo dõi hoặc quấy rối cá nhân, tổ chức.
Nghi phạm, được cảnh sát nhận diện là Hibiki Sato, bị buộc tội bám theo ca sĩ trên về nhà vào đêm 1/9 và quấy rối cô này. Sau khi bị bắt vào cuối tháng trước, Sato khai với cảnh sát, mình là một người hâm mộ cuồng nhiệt ca sĩ trên.
Tên này khai rằng sau khi phóng đại hình ảnh phản chiếu từ mắt cô ca sĩ, hắn dùng ứng dụng Google Street View để nhận diện nhà ga. Ngoài ra, hắn còn nghiên cứu các video nữ ca sĩ quay trong căn hộ, nhận diện các chi tiết như rèm treo, hướng ánh sáng xuyên qua cửa sổ để xác định con mồi sống ở tầng nào.
Vụ việc làm dấy lên nhiều câu hỏi về những nguy cơ xuất phát từ việc người dùng mạng xã hội thường đăng tải ảnh có độ phân giải cao, ghi lại cuộc sống của họ ở trên mạng. “Các bức ảnh có chất lượng cao thường cung cấp thêm nhiều chi tiết, giúp xác định vị trí người chụp nó”, Eliot Higgins – người sáng lập trang web điều tra Bellingcat nói với BBC.
Shuichiro Hoshi, giáo sư trường đại học Tokyo đồng thời là chuyên gia về các rủi ro của mạng xã hội cho hay, việc cải thiện chất lượng ảnh trên điện thoại di động làm tăng rủi ra các thông tin cá nhân bị rò rỉ vô ý.
Hoài Linh