Giới quan sát nhận định, việc tập đoàn bị truy tố có thể khiến cựu Tổng thống Donald Trump gặp khó khăn hơn trong việc ký kết các thỏa thuận mới, vay vốn ngân hàng và mang lại nguồn tiền mới cho công việc kinh doanh đang ngổn ngang nợ của mình.

Bản thân cựu tổng thống không bị các công tố viên buộc tội, nhưng quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn.

{keywords}
Ông Donald Trump (giữa) cùng con trai - Donald Trump Jr (trái) và con gái Ivanka Trump trong lúc ghi hình trực tiếp phần cuối của chương trình truyền hình thực tế Celebrity Apprentice vào ngày 16/5/2010 ở thành phố New York. Ảnh: Salon

Theo AP, dưới đây là một cái nhìn tổng quan về công ty của ông Trump cùng những thách thức mà doanh nghiệp này hiện phải đối mặt:

Tập đoàn Trump lớn cỡ nào?

Tập đoàn Trump là một thực thể kinh doanh bao gồm hàng trăm công ty và các đối tác, sở hữu hoặc quản lý các tòa nhà văn phòng, khách sạn, chung cư, câu lạc bộ golf, quyền xây dựng thương hiệu, giao dịch cấp phép và nhiều tài sản khác trên khắp thế giới.

Trong đội ngũ quản lý Tập đoàn Trump có hai con trai của cựu Tổng thống là Donald Jr. và Eric đều đang giữ chức vụ Phó chủ tịch điều hành và Allen Weisselberg, giám đốc tài chính vừa bị truy tố.

Các cáo buộc

Một bản cáo trạng của bồi thẩm đoàn buộc tội Tập đoàn Trump âm mưu giúp các giám đốc điều hành hàng đầu gian lận thuế, bằng cách không báo cáo những khoản trợ cấp như sử dụng miễn phí các căn hộ và xe hơi, thanh toán học phí trường tư cho các thành viên gia đình hoặc hoàn trả các chi phí cá nhân.

Bản thân giám đốc tài chính tập đoàn còn bị cáo buộc trốn thuế thông qua ngụy tạo nơi cư trú toàn thời gian của mình ở thành phố New York, nơi ông ta phải chịu thuế thu nhập.

Cả tập đoàn lẫn ông Weisselberg, một trong những nhân viên trung thành và phục vụ lâu nhất cho ông Trump, hôm 1/7 đều đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc. Họ khẳng định không làm gì sai trái và tố ngược các cáo buộc mang động cơ chính trị.

Vai trò hiện tại của ông Trump trong tập đoàn

Ông Trump đã rút khỏi các vị trí nắm giữ trong hàng trăm doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Trump tại hơn 20 quốc gia, trước khi ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ cách đây 4 năm.

Đó là nỗ lực của ông nhằm xoa dịu những quan ngại về nguy cơ ông lạm dụng vai trò lãnh đạo chính phủ để giúp đỡ công việc kinh doanh của mình. Vào thời điểm đó, ông Trump đã thiết lập quỹ tín thác để quản lý các tài sản của tập đoàn và giao quyền kiểm soát quỹ hàng ngày cho hai con trai cũng như giám đốc tài chính Weisselberg.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn là chủ sở hữu duy nhất hoặc chủ sở hữu chính của hàng trăm doanh nghiệp nói trên và có thể thu lợi nhuận từ chúng bất cứ lúc nào. Gần đây, cựu Tổng thống đã quay trở lại văn phòng cũ ở Tháp Trump trên Đại lộ số 5, nhưng hiện chưa rõ ông đã tái đảm nhận bao nhiêu phần việc giám sát các hoạt động của tập đoàn như trước đây.

Các cáo buộc có ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh của tập đoàn?

Nếu Tập đoàn Trump bị kết án, họ sẽ phải trả một khoản tiền phạt gấp đôi số tiền thuế chưa thanh toán hoặc 250.000USD, tùy theo mức nào lớn hơn. Tập đoàn cũng có thể phải thay đổi cách thức hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp không bị kết án, bản cáo trạng có thể gây ra những vấn đề.

“Các công ty đang bị truy tố, dù là tư nhân hay thuộc lĩnh vực công, lớn hay nhỏ, đều phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về tài sản thế chấp. Các công ty trong ngành dịch vụ tài chính không muốn làm ăn với họ. Khả năng tiếp cận vốn của họ bị hạn chế hoặc bị cắt đứt, tương tự như khả năng thế chấp tài sản thanh khoản của họ với các ngân hàng và công ty môi giới”, Daniel Horwitz, luật sư bào chữa tại hãng luật McLaughlin & Stern và là cựu công tố viên tại văn phòng công tố quận Manhattan giải thích.

Điều xảy ra với các công ty khác từng bị truy tố hình sự

Hãng kiểm toán tên tuổi Arthur Andersen bắt đầu bị mất hoạt động kinh doanh sau khi phải đối mặt với các cáo buộc hình sự liên quan đến công tác kiểm toán công ty Enron và cuối cùng buộc phải sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Năm 2005, Tòa án Tối cao Mỹ đã đảo ngược phán quyết kết tội Arthur Andersen ngăn cản công lý, nhưng đã quá muộn và công ty đã phá sản.

Các công ty khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì những cáo buộc hình sự bao gồm đại gia trái phiếu rủi ro cao hồi những năm 1980 nhưng nay đã ngưng hoạt động Drexel Burnham Lambert, quỹ đầu cơ từng một thời lừng lẫy SAC Capital và hãng dầu khí BP (phải trải hàng tỷ USD vì bị buộc tội hình sự liên quan đến một vụ nổ giàn khoan ở Vịnh Mexico).

Tập đoàn Trump có thể phải gánh chịu hậu quả gì?

Tập đoàn của ông Trump có thể gặp khó khăn hơn trong việc đạt được các thỏa thuận gắn tên cựu Tổng thống lên các tòa nhà hoặc sản phẩm, thu hút các giải đấu đến các sân golf của mình và vay vốn.

Tuy nhiên, theo AP, vẫn có khả năng Tập đoàn Trump sẽ vượt qua được cú sốc. Dẫu là doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng các hoạt động của tập đoàn rất đơn giản và ở hậu trường. Tập đoàn điều hành các câu lạc bộ golf và khách sạn, thu tiền từ các công ty thuê hệ thống văn phòng của mình và tính phí cấp phép cho các tòa nhà cũng như các thực thể khác sử dụng tên của mình.

Mặc dù một số công ty đã sụp đổ sau các cáo buộc hình sự, nhưng các công ty khác vẫn tồn tại hoặc thậm chí phát triển mạnh, chẳng hạn như Ngân hàng Mỹ, vốn từng bị kết án vì các hành vi cho vay thế chấp liều lĩnh.

Một số công ty được "hoãn các cáo buộc hình sự" về sau đã thể hiện rất tốt như đại gia dược Bristol-Myers Squibb, công ty từng bị cáo buộc gian lận kế toán hay JPMorgan Chase & Co., công ty từng bị phát hiện dính líu đến các vụ gian lận nghiêm trọng của trùm lừa đảo Bernard Madoff.

Các cổ phiếu của cả 3 công ty nói trên đang hoặc gần đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Kế hoạch kinh doanh tương lai của ông Trump?

Cựu Tổng thống Trump vẫn chưa tiết lộ về kế hoạch kinh doanh tương lai, nhưng có một số dấu hiệu rõ ràng.

Theo các chuyên gia về xây dựng thương hiệu, tập đoàn vẫn có thể sử dụng danh tiếng của ông Trump để đạt các thỏa thuận cấp phép trên khắp thế giới. Trong những năm chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” của ông Trump thành công, ông đã giành được nhiều hợp đồng gắn tên của mình vào vố số sản phẩm, từ các bộ complet, cà vạt, bít tết đến các tòa chung cư ở Las Vegas, Chicago và New York.

Tuy nhiên, thương hiệu Trump đã bị tổn hại vì những tuyên bố và lập trường gây chia rẽ của ông. Khi ông Trump còn đương chức tổng thống, các khách sạn, tháp văn phòng và tòa chung cư ở một số thành phố đã tước bỏ tên ông gắn trên đó. Tập đoàn của ông cũng phải hủy bỏ các kế hoạch về chuỗi khách sạn mới vì không được các đối tác tiềm năng quan tâm.

Tai hại nhất trong số đó là cáo buộc ông Trump đã kích động cuộc bạo loạn gây chết người ở trụ sở Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol ngày 6/1. Các nhà môi giới bất động sản, công ty cho vay và các doanh nghiệp khác đã cắt đứt quan hệ với Tập đoàn Trump ngay sau đó.

Hồi đầu năm nay, giá căn hộ tại nhiều tòa nhà được cấp phép sử dụng tên của ông Trump đã giảm mạnh. Các nhà môi giới cho biết, một số khách hàng tiềm năng thậm chí từ chối xem những căn hộ bên trong các tòa nhà có gắn tên cựu tổng thống bên ngoài.

Hiện không rõ nỗ lực cấp phép mới liên quan đến tên tuổi của ông Trump sẽ chứng minh thành công như thế nào.

Tuấn Anh

Tập đoàn Trump bị truy tố gian lận thuế

Tập đoàn Trump bị truy tố gian lận thuế

Trump Organization và Giám đốc tài chính Allen Weisselberg đã bị cáo buộc gian lận thuế một cách 'táo bạo và sâu rộng'.

Giám đốc tài chính tập đoàn Trump 'nộp mình' cho nhà chức trách

Giám đốc tài chính tập đoàn Trump 'nộp mình' cho nhà chức trách

Allen Weisselberg, Giám đốc tài chính lâu năm của Trump Organization hôm nay (1/7) đã ra trình diện tại văn phòng công tố quận Manhattan.