Tại Việt Nam, huyết áp cao chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng, trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.
Kiểm soát huyết áp cao rất quan trọng vì nếu không có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác và thậm chí tử vong. Biến chứng của bệnh tăng huyết áp cao gây tổn thương ở các cơ quan như tim, não, thận, mắt...
Đo huyết áp người bệnh tại nhà
Theo dõi tại nhà là cách quan trọng để xác nhận người bệnh có bị cao huyết áp hay không. Phân độ huyết áp được chia thành các cấp như sau:
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu < 130 mmHg và huyết áp tâm trương < 85 mmHg
- Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 - 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥100 mmHg.
- Cơn tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 110 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
- Nếu huyết áp không cùng mức để phân loại thì chọn huyết áp tâm thu hay tâm trương cao nhất
Muốn đo huyết áp cho kết quả chính xác, người bệnh cần lưu ý:
- Trước khi đo, người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 5 phút, không được hút thuốc, không dùng chất kích thích, ăn, vận động 30 phút trước khi đo, nên ở phòng yên tĩnh, không nói chuyện trong quá trình đo.
- Người bệnh chọn tư thế thoải mái nhất, tư thế đo có thể nằm hoặc ngồi. Khi ngồi lưng tựa thẳng vào ghế, chân đặt thẳng trên sàn.
- Tay không cầm nắm, thả lỏng khuỷu tay ngang tim
- Quấn bao huyết áp trên khuỷu tay 2-3 cm
- Bật máy, chờ và đọc kết quả
Để có kết quả chính xác nhất, bạn nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 5 phút. Nếu giá trị giữa 2 lần chênh nhau quá 10 mmHg, cần đo lại thêm vài lần với thời gian nghỉ lâu hơn. Lấy giá trị trung bình của 2 lần đo cuối làm kết quả.
Nên đo huyết áp vào một thời điểm cố định trong ngày và có cách lưu lại các kết quả huyết áp để theo dõi và tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng huyết áp của bản thân.
Kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp
Thay đổi lối sống của người bệnh có thể giúp kiểm soát và quản lý huyết áp cao.
- Giảm thừa cân
Huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng lên; thừa cân cũng có thể gây ra gián đoạn hô hấp khi người bệnh ngủ (ngưng thở khi ngủ), làm tăng huyết áp hơn nữa. Giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì, giảm dù chỉ một lượng nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm huyết áp.
- Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 8 mm Hg. Điều quan trọng là phải tiếp tục tập thể dục để giữ cho huyết áp không tăng trở lại. Mục tiêu chung là dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày.
Tập thể dục cũng có thể giúp giữ cho huyết áp tăng cao không chuyển thành huyết áp cao (tăng huyết áp). Đối với những người bị tăng huyết áp, hoạt động thể chất thường xuyên có thể đưa huyết áp xuống mức an toàn hơn.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn một chế độ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa ít béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao.
- Giảm muối (natri) trong chế độ ăn uống
Ngay cả khi giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 6 mm Hg. Để giảm natri trong chế độ ăn uống cần đọc nhãn thực phẩm để tìm kiếm các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng natri thấp.
Ngoài ra, người bệnh nên ăn ít thực phẩm chế biến sẵn. Bởi chỉ một lượng nhỏ natri xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm; hầu hết natri được thêm vào trong quá trình chế biến. Lưu ý, không thêm muối mà sử dụng các loại thảo mộc hoặc gia vị để tăng thêm hương vị cho thức ăn.
- Hạn chế rượu bia
Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Vì vậy, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả.
Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.
- Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng huyết áp, ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm trong vài tuần, có thể góp phần làm tăng huyết áp. Một số vấn đề có thể làm gián đoạn giấc ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ, chứng khó ngủ nói chung (mất ngủ).
- Giảm căng thẳng
Căng thẳng cảm xúc lâu dài (mãn tính) có thể góp phần làm tăng huyết áp. Vì vậy tìm cách giảm căng thẳng là liệu pháp quan trọng để kiểm soát huyết áp.
Điều dưỡng Hoàng Thị Bích (Khoa khám bệnh Cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)