Thăng trầm và bùng nổ
Thấm nhiều đòn trong suốt hơn một thập kỷ chơi chứng khoán, tới lúc này ông Nguyễn Văn Tuấn mới hòa vốn và bắt đầu có những khoản tiền lãi đầu tiên.
“Thị trường tươi sáng trở lại trong nửa cuối năm 2020. Cổ phiếu để đó suốt mấy năm qua, giờ có lãi trở lại. Thời gian tới, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ đón thêm dòng vốn mới từ các nhà đầu tư. Triển vọng kinh tế tích cực sẽ tác động tốt lên TTCK. VN-Index có thể sớm vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm”, ông Nguyễn Văn Tuấn kỳ vọng.
Ông Tuấn tham gia thị trường từ 2006, khi TTCK chứng kiến một cơn sóng lớn chưa từng có. Những thông tin về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã khiến TTCK sôi sục. Trong khoảng thời gian rất ngắn hơn 3 tháng, VN-Index tăng thêm hơn gấp đôi lên 1.170 điểm vào đầu 2007. Nhiều cổ phiếu tăng cả chục lần, nhiều mã lên tới 400.000-500.000 đồng/cp, thậm chí gần triệu đồng một cổ phiếu.
Tuy nhiên, lãi trong cơn sóng thần “cứ mua là thắng” hồi 2006 không nhiều, bởi khi đó ông Tuấn chỉ dám chơi ít. Nhưng lỗ sau đó thì khá lớn.
Khủng hoảng tài chính và đợt suy thoái chứng khoán kéo dài hai năm sau đã kéo VN-Index xuống đáy 235 điểm vào đầu năm 2009, ngay dịp Tết Nguyên đán. Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng, có người mất chục tỷ khi bắt đáy khi hàng loạt mã cổ phiếu chứng kiến chuỗi ngày xanh lục, giảm sàn không ngừng nghỉ.
Chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều đợt biến động mạnh. |
Ông Nguyễn Quý, một nhà đầu tư cá nhân lao đao khi mất toàn bộ tiền lãi trong các đợt sóng trước đó, cùng với tiền cá nhân và tiền vay. Con sóng hai năm sau đó (kéo VN-Index từ đáy lên 630 điểm) không giúp ông Quý lấy lại được nhiều khoản tiền thua lỗ do đợt tăng này tập trung vào những cổ phiếu tầm trung và nhỏ, cổ phiếu “có game”.
Nhiều người tạm ngừng hoặc rời bỏ các sàn giao dịch khi thị trường gần như đi ngang kéo dài cho tới 2017.
Năm 2018, TTCK có một con sóng mới, cũng mạnh hiếm có, kéo giá cổ phiếu lên dữ dội và chỉ số VN-Index lên đỉnh cao kỷ lục 1.204 điểm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư như ông Nguyễn Văn Tuấn mắc kẹt cho tới 2020 vừa qua.
“Vào sau đỉnh 1.204 điểm hồi đầu năm 2018 nên tôi thua ở hầu hết các mã. Đợt này đầu tư khá nhiều nên lỗ cũng nặng”, ông Tuấn chia sẻ và cho hay ông đã bỏ đấy, không mua bán qua cả cú sốc VN-Index về gần 600 điểm hồi tháng 3/2020.
2020 là một năm “điên rồ” của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam, với biến động mạnh hiếm có nhưng là tấm gương phản chiếu rõ nét nỗi lo sợ lịch sử và kỳ vọng mãnh liệt của giới đầu tư về nền kinh tế.
Cái “điên” nằm ở chỗ tiền ở khắp mọi nơi, số người tham gia chứng khoán mới (F0) tăng kỷ lục, 1 năm bằng cả 10 năm trước cộng lại.
TTCK chứng kiến cú tụt giảm sâu rồi tăng mạnh hiếm có. Chỉ số VN-Index tụt từ trên 1.000 điểm hồi cuối 2019 xuống 645 điểm hồi tháng 3/2020. Tuy nhiên, năm Covid-19 chung cuộc ghi nhận một sự tăng trưởng. Chỉ số VN-Index tăng dần đều trong quý II và quý III rồi tăng mạnh, bứt phá vào quý cuối năm, hướng tới ngưỡng 1.100 điểm. Nếu so với đáy hồi tháng 3, VN-Index đã tăng gần 70%.
Cho đến cuối 2020, tài khoản của ông Tuấn đã cân bằng trở lại và bắt đầu có những khoản lãi đầu tiên nhờ đợt cổ phiếu tăng giá mạnh và chỉ số VN-Index lên trở lại gần đỉnh cũ 1.200 điểm.
Triển vọng sáng hơn
Trong một tháng đầu 2021, TTCK Việt Nam chao đảo, ghi nhận những phiên điều chỉnh sâu sau đợt tăng giá kéo dài. Trong 2 phiên ngày 19/1 và 28/1, chỉ số VN-Index ghi nhận kỷ lục về giảm điểm, hàng chục tỷ USD vốn hóa thị trường bị bốc hơi. Trong phiên 28/1, VN-Index giảm mạnh nhất lịch sử với việc mất 73,23 điểm, tương ứng 6,67% xuống 1.023,94 điểm. May mắn, VN-Index trụ được ở 1.100 điểm.
Trong báo cáo chiến lược tháng 2 của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), đơn vị này cho rằng, tính theo tuần, Việt Nam là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực châu Á có vốn vào liên tục trong 4 tuần gần đây. Dòng vốn chủ động ra vào đan xen và tính chung vẫn rút ròng khoảng 23,5 triệu USD trong tháng 1.
Chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2020. |
Theo SSI Research, thị trường Việt Nam tỏ ra khá hấp dẫn nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh, câu chuyện tăng trưởng kinh tế và là điểm đến của dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Dù thông tin dịch bệnh là yếu tố chính khiến thị trường biến động giai đoạn này nhưng dòng vốn ETF sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với mức độ biến động của thị trường sẽ ngày càng cao.
Các tính toán cho thấy, hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) thị trường năm 2021 về mức 14,65 lần vào ngày 29/1 và tăng lên 15,16 lần vào ngày 5/2. Hệ số P/E mục tiêu cho VN-Index trong năm 2021 vẫn được duy trì ở mức 18 lần, tạo ra dư địa tăng trưởng 20,2% cho chỉ số nếu xét về mặt định giá.
Diễn biến liên tục tích cực của dòng vốn vào TTCK Việt Nam và số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao trong tháng 1 (86.755 tài khoản) là minh chứng cho triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt trội hơn, hấp dẫn nhà đầu tư trong dài hạn.
Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh và kinh tế thế giới đã có những kịch bản thận trọng cho 2021. Thứ nhất là dịch Covid chưa được kiểm soát và diễn biến phức tạp hơn so với đợt tháng 3 và tháng 7/2020. Vùng 1.000 điểm vẫn sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng của VN-Index. Thứ 2, không có diễn biến phức tạp hơn trong kỳ nghỉ Tết, dịch Covid vẫn trong tầm kiểm soát. Vùng 1.100 điểm là vùng hỗ trợ gần nhất và mục tiêu gần nhất là hướng đến vùng 1.175-1.200 điểm.
Diễn biến tiêu cực của TTCK Việt Nam gần đây trái ngược với dự báo của đa số các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Chứng khoán Việt Nam trên thực tế vẫn chưa vượt đỉnh cũ và định giá trên cổ phiếu vẫn ở mức hấp dẫn nhất nhì khu vực.
Đại diện quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ tăng trưởng vượt xa dự báo trong năm 2021. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, trong khi tăng trưởng kinh tế được dự báo lên tới 6-7%, thậm chí 8%.
Công ty chứng khoán EVS cho rằng, VN-Index sẽ lên mức 1.300 điểm, thậm chí trong kịch bản lạc quan có thể là 1.400 điểm nhờ sự hồi phục kinh tế nhanh và việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá, vĩ mô ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao,...
Trước đó, một số chuyên gia dự báo thị trường sẽ điều chỉnh giảm trong quý I rồi sẽ tăng trở lại trong quý II khi mà các doanh nghiệp đưa ra kế hoạch cho năm mới 2021.
Trong năm 2020, nhiều DN lớn trên TTCK vẫn hoạt động tốt. VinHomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 25%, lên hơn 37 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng 69% lên 15.355 tỷ đồng, nhiều ngân hàng lập kỷ lục mới về lợi nhuận.
Năm 2021, triển vọng chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ triển vọng kinh tế tốt, kết quả của việc mở rộng hội nhập với nhiều hiệp định thương mại được triển khai như EVFTA, RCEP... Bên cạnh đó là việc hiệu ứng tiền rẻ tiếp tục kéo dài do đại dịch chưa chấm dứt...
Theo Pyn Elite Fund, TTCK Việt Nam có thể gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư với "big year" trong khoảng thời gian từ 2020-2024. Lãi suất giảm sâu kéo nhà đầu tư vào chứng khoán và đây là yếu tố có thể khiến VN-Index sớm cán mốc 1.800 điểm.
M. Hà