Biển Đông là một trong những chủ đề trên bàn nghị sự của một loạt hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+1 với các đối tác: TQ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada ngày 9/8 tại Naw Pyi daw, Myanmar.


Tại các hội nghị, các Ngoại trưởng ASEAN và đối tác nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua triển khai hiệu quả các Kế hoạch hành động hiện có giữa ASEAN với từng đối tác, đặt trọng tâm vào các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển...

Quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biển Đông

Các đối tác cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 và giai đoạn phát triển tiếp theo, đẩy mạnh liên kết và kết nối khu vực, triển khai hiệu quả các hiệp định khu vực mậu dịch tự do hiện có với các đối tác cũng như đàm phán hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chụp ảnh lưu niệm với các Ngoại trưởng ASEAN. Ảnh: AP

Tại các hội nghị, khi trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, vấn đề Biển Đông được đặc biệt quan tâm. Các nước ASEAN và đối tác bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; do đó, cần phải nỗ lực bảo đảm không để tái diễn các sự việc tương tự.

Các hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển (1982); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. ASEAN và TQ cần nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trước hết là quy định tại điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế, không được có hành động gây bất ổn định và làm phức tạp tình hình, yêu cầu cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình và ổn định ở khu vực.

ASEAN-TQ muốn đạt 1.000 tỷ USD kim ngạch thương mại

Tại hội nghị PMC ASEAN-TQ, hai bên cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-TQ, cũng như cần phải bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Về hợp tác, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động 2011-2015, trong đó có các lĩnh vực như hợp tác hàng hải, thương mại và đầu tư, văn hóa và nghệ thuật, giao thông và kết nối, cũng như các hoạt động trong Năm giao lưu văn hóa ASEAN-TQ 2014.

ASEAN và TQ nhất trí đẩy mạnh hơn nữa trong phối hợp triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), hoạt động của Trung tâm ASEAN-TQ. Đồng thời, các Bộ trưởng đề nghị cần chuẩn bị sớm xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020.

Các Bộ trưởng ủng hộ việc bàn và nâng cấp Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-TQ (ACFTA), phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 500 tỷ USD năm 2015 và 1.000 tỷ USD năm 2020.

Tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Mỹ, hai bên ghi nhận tiến độ triển khai Kế hoạch công tác 2011-2015, Sáng kiến liên kết kinh tế mở rộng (E3) và Thỏa thuận khung thương mại - đầu tư ASEAN-Mỹ (TIFA).

Các nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, hợp tác phát triển cũng như xây dựng Kế hoạch Công tác sau 2015; nhấn mạnh cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, và xem xét khả năng xây dựng Tầm nhìn chung ASEAN-Mỹ về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân...

Tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Nhật, ASEAN hoan nghênh Nhật Bản thành lập Quỹ Hội nhập ASEAN; đánh giá cao Nhật Bản hỗ trợ liên kết và kết nối ASEAN, đặc biệt 70 dự án trọng điểm triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN.

Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hàn Quốc, các Bộ trưởng khẳng định sẽ đóng góp tích cực cho thành công của hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Hàn Quốc vào tháng 12/2014 tại Busan, Hàn Quốc.

L.Thư