Dưới đây là bản dịch clip "Tôi kiện hệ thống giáo dục" - clip dài hơn 5 phút với tựa đề “The People vs The School System” của rapper nổi tiếng với nghệ danh Prince Ea đang được chia sẻ và lan truyền rộng khắp cộng đồng mạng.

Albert Einstein từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây của nó thì cả đời nó sẽ sống với niềm tin rằng nó là kẻ ngu ngốc”.

Thưa các quý ông, quý bà bồi thẩm đoàn,

Ngồi ở ghế bị cáo hôm nay là hệ thống giáo dục hiện đại. Rất vui vì đã đến!

Họ không chỉ bắt cá leo lên cây, mà họ còn bắt chúng leo xuống, rồi chạy tiếp 10 dặm.

Hãy trả lời tôi, hệ thống giáo dục: Các ngài có tự hào về những việc mà các ngài đang làm không?

Biến hàng triệu con người thành robot, các ngài thấy việc đó vui lắm sao?

Các ngài có biết bao nhiêu đứa trẻ giống như con cá này không? Chúng bơi ngược dòng trong lớp học và chẳng bao giờ tìm ra tài năng của mình, tự nghĩ rằng mình thật ngu ngốc, tin rằng mình thật vô dụng?

Đã đến lúc rồi, không chần chừ nữa, tôi yêu cầu hệ thống giáo dục đứng lên và xin lỗi vì đã giết chết sự sáng tạo, giết chết tính cá nhân và lạm dụng trí tuệ. Đó là một tổ chức cũ đã hết thời.

Thưa quý tòa, điều này kết lại cho tuyên bố mở đầu của tôi, và nếu tôi có thể đưa ra bằng chứng cho điều đó, tôi sẽ chứng minh được điều này.

Thẩm phán: Cứ tiếp tục

Ví dụ A: Đây là chiếc điện thoại ngày nay, các ngài nhận ra chúng chứ? Còn đây là chiếc điện thoại cách đây 150 năm. Khác nhau nhiều đúng không?

Đây là chiếc xe hơi ngày nay. Còn đây là chiếc xe cách đây 150 năm. Khác nhau nhiều đúng không?

Và hãy nhìn cái này. Đây là lớp học ngày nay. Và đây là lớp học cách đây 150 năm.

Thật là xấu hổ. Vậy là hơn một thế kỷ trôi qua, chẳng có gì thay đổi. Các ngài nói là đang giúp bọn trẻ chuẩn bị cho tương lai?

Nhưng với những bằng chứng này, tôi muốn hỏi là: Các ngài đang giúp bọn trẻ chuẩn bị cho tương lai hay cho quá khứ ?

Tôi đã nghiên cứu về các ngài, và dữ liệu cho thấy các ngài được tạo ra để đào tạo cho những người làm việc trong các nhà máy, điều đó giải thích tại sao các ngài đặt học sinh vào những hàng thẳng gọn gàng, đẹp đẽ, yêu cầu chúng ngồi im, giơ tay khi muốn nói, cho chúng giờ giải lao ngắn ngủi để ăn, và bảo chúng phải nghĩ gì suốt 8 tiếng mỗi ngày.

Và bắt chúng phải đạt điểm A. Một ký tự để đánh giá chất lượng sản phẩm.

Thịt loại A nhé, tôi hiểu rồi.

Ngày trước khác bây giờ, tất cả chúng ta đều có quá khứ. Bản thân tôi không phải Gandhi. Nhưng ngày nay, chúng ta không cần là những xác chết robot. Thế giới đã thay đổi. Và ngày nay chúng ta cần những con người có tư duy sáng tạo, đột phá, phản biện, độc lập và có khả năng kết nối.

Nhà khoa học nào cũng nói rằng chẳng có hai bộ não nào giống nhau. Và bất kỳ nhà nào có từ 2 đứa con trở lên cũng đều công nhận điều đó.

Vì thế, làm ơn hãy giải thích tại sao các ngài lại đối xử với bọn trẻ giống như những cái khuôn bánh hay như một chiếc mũ chỉ có một cỡ, cho tất cả chúng vào mấy thứ rác rưởi “cùng một cỡ”?

Thẩm phán: Lưu ý ngôn từ!

Xin lỗi quý tòa!

Nhưng nếu một bác sĩ kê cùng một đơn cho tất cả bệnh nhân, hậu quả sẽ thật kinh khủng, và nhiều người sẽ phát bệnh.

Nhưng khi nói đến giáo dục, đó chính xác là điều đang xảy ra: Sai lầm trong giáo dục.

Khi một giáo viên đứng trước 20 đứa trẻ, mỗi đứa có những tính cách khác nhau, nhu cầu khác nhua, tài năng khác nhau, ước mơ khác nhau. Nhưng các ngài dạy cùng một thứ theo cùng một cách?

Thật là thảm họa!

Thưa quý ông quý bà, bị cáo này không nên được dung thứ. Đây có thể là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất từng xảy ra.

Và chúng ta hãy xem cách mà các ngài đối xử với các giáo viên.

Luật sư: Phản đối!

Thẩm phán: Phản đối vô hiệu! Tôi muốn nghe điều này!

Thật xấu hổ.

Ý tôi là giáo viên là nghề nghiệp quan trọng nhất trên hành tinh này, nhưng họ lại được trả công bèo bọt.

Không ngạc nhiên khi quá nhiều đứa trẻ bị đối xử bất công.

Thành thật mà nói, giáo viên nên được trả lương ngang bằng với bác sĩ. Bởi vì một bác sĩ có thể phẫu thuật tim và cứu mạng một đứa trẻ, nhưng một giáo viên giỏi có thể chạm tới trái tim đó và giúp đứa trẻ sống thực sự. Giáo viên là những người anh hùng nhưng họ thường bị đổ lỗi. Nhưng đó không phải vấn đề. Họ phải làm việc trong một hệ thống không có nhiều lựa chọn và quyền tự do.

Giáo trình được tạo ra bởi các nhà hoạch định chính sách. Hầu hết số đó chưa từng được dạy một ngày nào trong đời họ. Họ bị ám ảnh bởi những bài kiểm tra chuẩn hóa. Họ nghĩ rằng, những câu hỏi trắc nghiệm có thể định nghĩa thành công.

Thật kỳ quặc!

Thực tế là, những bài kiểm tra này quá thô thiển và nên được bỏ đi. Nhưng đó không phải lời của tôi. Đó là lời của Frederick J. Kelly – người đã phát minh ra bài kiểm tra chuẩn hóa, người đã nói rằng: “Những bài kiểm tra này quá thô thiển để sử dụng và nên được bỏ đi”.

Thưa bồi thẩm đoàn,

Nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo con đường này, kết quả sẽ rất nghiêm trọng.

Tôi không có nhiều niềm tin vào trường học, nhưng tôi có niềm tin vào con người. Và nếu chúng ta có thể sửa đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe, những chiếc xe hơi, những trang Facebook, thì chúng ta có nhiệm vụ tương tự với giáo dục. Nâng cấp nó, thay đổi nó và bỏ tư tưởng trường lớp đi vì nó quá vô dụng.

Thay vì một giá trị chung, hãy chạm tới giá trị của mỗi trái tim trong lớp học. Tất nhiên, toán học là quan trọng, nhưng nó không quan trọng hơn nghệ thuật hay khiêu vũ.

Hãy công bằng với mọi loại tài năng. Tôi biết điều này nghe có vẻ giống như một giấc mơ. Nhưng những quốc gia như Phần Lan đang làm được những điều ấn tượng này. Họ có những giờ học ngắn hơn, thu nhập của giáo viên cao hơn, không có bài tập về nhà, và họ tập trung vào sự hợp tác thay vì sự cạnh tranh.

Nhưng đây mới là điều quan trọng nhất, thưa các ngài.

Hệ thống giáo dục của họ vượt xa mọi quốc gia khác trên thế giới. Những nơi như Singapore cũng đang thành công nhanh chóng, những trường học Montessori, những chương trình như Học viện Khan… Không chỉ có một giải pháp duy nhất. Nhưng hãy tiếp tục. Bởi vì, mặc dù học sinh chỉ chiếm 20% dân số của chúng ta, nhưng chúng là 100% tương lai của chúng ta. Vì thế, hãy trân trọng ước mơ của chúng.

Không ai nói trước chúng ta có thể đạt được điều gì. Đây là một thế giới mà tôi đặt niềm tin, một thế giới mà cá không còn bị ép buộc phải leo cây.

  • Nguyễn Thảo (dịch)