Bà Trịnh Thị Hồng (sinh năm 1965) trú tại phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) là Giám đốc công ty Minh Hồng Biotech, chuyên sản xuất nước rửa chén, nước giặt, lau sàn hữu cơ. Trước đây bà Hồng có hoàn cảnh khó khăn, mang trong mình căn hiểm nghèo ung thu vú. Thế nhưng với sự quyết tâm, chịu khó mày mò học hỏi, người phụ nữ ấy đã vươn lên số phận, phát triển kinh tế và giúp đỡ cho hàng trăm hộ nghèo ở Đà Nẵng có thêm thu nhập.

Biến rác thành tiền

Chia sẻ với ý tưởng biến rác thành tiền, bà Hồng kể, mọi việc bắt đầu từ năm 2011, khi rác bị ùn ứ nhiều ngày tại khu dân phố không được thu gom, bà đã đau đáu với câu hỏi “phải làm sao để có thể xử lý được rác thải hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường?”.

co hong 4.jpg
Bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc công ty Minh Hồng Biotech

Là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện ở địa phương, năm 2012, bà may mắn có cơ hội sang Philippines tham gia chương trình phát triển cộng đồng nghèo châu Á. Tại đây, bà được nghe đại diện Thái Lan chia sẻ về cách ủ rác thải thực vật thành chế phẩm sinh học.

Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến cuối năm 2012, bà Hồng mới có được ít kinh nghiệm và đạt được thành công bước đầu. Bà đã tìm ra công thức để ủ, tỷ lệ: 3kg rác, 3 lạng đường và 10 lít nước, ủ trong thùng nhựa kín 30 ngày. Chế phẩm này tiếp tục lọc qua hệ thống, thu được 2 lít dung dịch thô. Nguyên liệu ngâm ủ đơn giản là các loại rau, hoa quả bỏ đi nhưng phải là đồ còn tươi, chưa bị hôi thối và phải thực hiện nghiêm theo quy trình nếu không dung dịch sẽ thối hỏng, phải đổ bỏ.

Bà Hồng cũng tự mày mò nghiên cứu kiến thức từ sách vở và internet để giúp sản phẩm hoàn thiện hơn, có bọt, có mùi thơm và độ đặc hơn.

co hong 5.jpg
Công ty của bà Hồng chuyên sản xuất nước rửa chén, nước giặt, lau sàn sinh học, không sử dụng hoá chất.

Sau khi nghiên cứu thành công dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, bà Hồng được Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng, Sở Y tế hỗ trợ bảo hộ thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, công bố chất lượng sản phẩm. Năm 2016 bà Hồng thành lập công ty và bắt tay vào sản xuất chế phẩm sinh học từ rác. Tổng số vốn đầu tư 500 triệu đồng, trong đó phần lớn là số tiền thưởng bà giành được tại các cuộc thi khởi nghiệp.

Tạo thu nhập cho hàng trăm gia đình khó khăn

Hiện tại, mỗi tháng, xưởng sản xuất của bà tiêu thụ hơn 109 tấn rác thực vật, xuất bán 17.000 lít dung dịch sinh học các loại.

co hong 6.jpg
Người phụ nữ này đã tạo sinh kế cho 140 hộ gia đình nghèo, khó khăn ở Đà Nẵng bằng cách bao tiêu sản phẩm. Mỗi hộ có thu nhập khoảng 3,5-7 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, để tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình, bà hướng dẫn, trao công thức tái chế rác cho phụ nữ địa phương. Theo đó, mỗi hộ sẽ ủ rác thải hữu cơ theo đúng quy trình. Mỗi lít dung dịch thô, bà Hồng sẽ thu mua với giá 3.500 đồng/lít. Dung dịch thô sau khi đưa về xưởng của công ty sẽ được nhân viên đem ngâm ủ 35-45 ngày và trải qua nhiều công đoạn khác như lọc, khử trùng, trộn các chất chiết xuất hữu cơ cam, chanh, bồ kết, bồ hòn… để tạo độ đặc, thơm.

Hiện tại, mỗi tháng, bà nhận thu mua dung dịch thô của 140 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, nhờ đó mỗi hộ có thu nhập khoảng 3,5-7 triệu đồng/tháng.

co hong 2.jpg
Năm 2023, bà Trịnh Thị Hồng vinh dự là tấm gương phụ nữ được vinh danh tại triển lãm ảnh “17 gương mặt Hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững”.

Theo bà Hồng, việc ủ rác thải hữu cơ này giống như ủ men rượu, rất thơm. Nhiều chị em cũng tham gia ủ, vừa xử lý, tận dụng triệt để rác thải trong gia đình và đóng góp cho kinh tế tuần hoàn.

Hiện sản phẩm của công ty bà Hồng đã có mặt tại rất nhiều tỉnh, thành và được người tiêu dùng đón nhận vì thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khoẻ. Mỗi tháng, công ty đạt doanh thu hơn 400 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ cho phụ nữ khó khăn tại Đà Nẵng, những năm vừa qua, và đã hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chế phẩm sinh học cho Hội liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành: Quảng Nam, Quảng Trị, Hưng Yên, Thái Nguyên…

Vừa qua, bà Trịnh Thị Hồng vinh dự là tấm gương phụ nữ được vinh danh tại triển lãm ảnh “17 gương mặt Hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội Trao quyền cho Phụ nữ Thuỵ Sĩ tổ chức.

Giải pháp công nghệ biến rác thải thành chế phẩm sinh học đa dụng của bà Hồng đã giành được nhiều giải thưởng như giải thưởng tại Cuộc thi sáng tạo Hatch Fair 2016; giải thưởng về môi trường Việt Nam do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức năm 2017; Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2019; tháng 8/2023, doanh nghiệp nằm trong Top 30 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) xuất sắc.

Diệu Thuỳ