- Trải qua nhiều năm làm công tác quản lý, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đúc kết nhiều kinh nghiệm về sử dụng cán bộ. Trong bài viết định kỳ đầu tháng 12, ông chia sẻ với độc giả những vấn đề chủ chốt về sử dụng và đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ.

Một cán bộ tốt là một cán bộ thực hành 4 biết (biết viết, biết nói, biết làm, biết điều):

1. Biết viết:


Ảnh minh họa: Bình Minh
Biết viết để tổng kết những điều mình đã làm, chỉ đạo những việc mình đang làm và định hướng những việc mình cần làm, trên sách báo để chuyển đổi nhận thức và hành động. Biết viết là tự mình viết bằng kiến thức và kinh nghiệm của chính mình, không vay mượn văn chương của người khác, kể cả những người giúp việc của mình.


Biết viết là biết khái quát, chưng cất, kết tinh, chắt lọc những điều quý giá nhất rút ra từ thực tiễn cuộc sống, bằng lối sống và kinh nghiệm của mình. Có giá trị soi sáng nhận thức để chỉ đạo hành động.

Biết viết là dùng chữ ít nhất để thể hiện được nhiều ý nhất. Vì văn là hình thức, ý mới là nội dung. Đó cũng là cách tốt nhất để tiết kiệm giấy mực, công quỹ và thời gian của người đọc.


2. Biết nói:


Biết nói để tạo niềm tin, đôn đốc và cổ vũ quần chúng hành động. Nói sao để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm. Nói phải có niềm tin, nói để làm, làm để chứng minh lời nói. Lời nói bao giờ cũng có giá trị thực tiễn cao nhất. Vì đọc thì quần chúng không biết của ai, còn nói thì mọi người đều biết là của mình nên sẽ tin và hành động tốt hơn.

Cha ông ta ngày xưa chọn Lý trưởng cũng đặt rõ 5 tiêu chuẩn, trong đó có một tiêu chuẩn biết nói, theo tôi cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Vật lực khả quan. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín.”


3. Biết làm:


Biết viết, biết nói cần phải gắn với biết làm. Không chỉ mình làm mà phải biết tổ chức cho quân chúng làm, làm là thước đo cuối cùng của nói và viết. Nói để làm, làm để chứng minh lời nói. Nói và viết mà không làm là nói suông, nói để làm là nói gắn với hành động luôn luôn được quần chúng tin yêu. Sẽ là bi kịch lớn nhất của con người là xã hội khi nói, viết và làm không thống nhất với nhau.


4. Biết điều:


Biết điều xếp thứ tư nhưng lại rất quan trọng. Biết điều là biết xử sự với những người xung quanh mình, theo nguyên tắc mình vì mọi người để mọi người quý mình. Biết điều là biết đón nhận những giá trị được hưởng thụ phù hợp với đóng góp, cống hiến của bản thân.

Biết điều là làm điều gì cũng đúng, cũng được mọi người tin và chấp nhận. Biết điều chính là văn hóa ứng xử, cho gì gặt nấy. Một người xuất hiện ở đâu cũng làm cho người khác dễ chịu, đó là người có văn hóa, ngược lại, làm cho người khác khó chịu là người thiếu văn hóa.

Theo nghĩa mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái, chia tay mong ngày gặp lại. Vì thế phải hiểu rằng: Khi xung quanh mình nhiều người tốt nghĩa là mình đang tốt. Biết điều mãi mãi cần trong cơ chế thị trường.


Lê Doãn Hợp
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông