Sáng 27/11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022.
299 điển hình tiêu biểu, đại diện cho 10.599 xã, phường, thị trấn và gần 100.000 ban Công tác Mặt trận trên cả nước tham dự. Đây là những bông hoa tươi thắm nhất trong rừng hoa “Người tốt, việc tốt” của những cán bộ mặt trận ở cơ sở trên cả nước, đang từng ngày, từng giờ góp phần tô thắm thêm cho truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, hệ thống MTTQ Việt Nam gồm 4 cấp, từ Trung ương đến cấp xã, ở khu dân cư có Ban Công tác Mặt trận gắn bó mật thiết với nhân dân; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, nơi ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc, đoàn kết, bình yên và phát triển.
Ông Lê Tiến Châu khẳng định, đó là sự nỗ lực, vượt qua bao gian nan, thử thách và cả những hy sinh, mất mát của các thế hệ cán bộ Mặt trận. Trong đó có sự đóng góp thầm lặng, cao cả, không ngừng nghỉ của đông đảo đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những thành tích của các đại biểu và nhiều tấm gương thầm lặng khác trên các lĩnh vực công tác của MTTQ Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở.
Đến từ nhiều địa phương, vùng miền khác nhau, có độ tuổi và quá trình cống hiến khác nhau, trong điều kiện chế độ chính sách còn khó khăn, song 299 vị đại biểu đều là những cán bộ Mặt trận đầy tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo và hoạt động bền bỉ, dẻo dai để gắn kết cộng đồng.
Chủ tịch nước bày tỏ, mỗi đại biểu là một tấm gương “người tốt, việc tốt”, là một câu chuyện đầy cảm động về hình ảnh người cán bộ Mặt trận thầm lặng “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”, trực tiếp đến từng gia đình, cá nhân để vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tăng cường hoạt động của MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận gắn chặt với cơ sở, cộng đồng dân cư, coi đây là yếu tố sống còn của công tác Mặt trận.
Cán bộ làm công tác Mặt trận cần chủ động, thường xuyên bám sát cơ sở, xuống tận làng, bản, thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình, dòng họ, cá nhân trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, động viên nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở, đề cao phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
“Người cán bộ Mặt trận cơ sở phải dựa vào tình hình thực tế, nắm rõ, hiểu rõ từng địa bàn, hộ gia đình cụ thể, con người cụ thể để tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đảm bảo “đúng, trúng và kịp thời", Chủ tịch nước nói.
Công tác Mặt trận cần bám vào những nội dung sát thực với từng địa phương, đặc biệt là các vấn đề có tính “nóng”, “thời sự”, “nhạy cảm” đang được người dân quan tâm. Chủ động đề xuất với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Chủ tịch nước đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất những chế độ, chính sách phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ làm công tác Mặt trận tại cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn...
Người đứng đầu Nhà nước mong muốn mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở luôn là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, gần dân, có uy tín với dân; am hiểu pháp luật, không ngừng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động; thật sự gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong khó khăn, vất vả, thậm chí chịu thiệt thòi hơn và hy sinh lợi ích cá nhân để “cùng đi, cùng ở, cùng làm” với nhân dân.
Lê Diệu Thúy, Huỳnh Tuấn Kiệt, Lê Vĩnh Sang