Đụng độ đã nổ ra tại các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Algeria và Yemen sau sự
sụp đổ của Tổng thống Hosni Mubarak tại Ai Cập. Tại Algeria, có 400 người bị
bắt.
Sự ra đi hôm 11/2 của Tổng thống Ai Cập Mubarak và cuộc lật đổ lãnh đạo Tunisia
hồi tháng trước đã gây chấn động thế giới Ảrập và dẫn tới việc nhiều người đặt
ra câu hỏi: tiếp theo sẽ là nước nào xảy ra xung đột giữa chính quyền và dân
chúng.
Bất ổn rộng khắp tại Algeria có thể là dấu hiệu đối với kinh tế thế giới vì đây
là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà
phân tích cho rằng một cuộc nổi dậy sẽ khó xảy ra vì chính quyền có thể dùng sự
giàu có về nhiên liệu để giải quyết phần lớn những bất bình.
Các quốc gia Ảrập khác hiện cũng cảm nhận được những ảnh hưởng từ cuộc nổi dậy ở
Ai Cập và Tunisia. Quốc vương Jordan Abdullah đã thay Thủ tướng sau các cuộc
biểu tình và tại Yemen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh cam kết với phe đối lập về
việc không tái tranh cử.
Tại thủ đô Algeria hôm qua (12/2), cảnh sát chống bạo động đã phong tỏa trung
tâm thủ đô và ngăn chặn những người chống chính phủ biểu tình nhằm tìm cách tiến
hành một cuộc nổi dậy như ở Ai Cập.
Các nhóm biểu tình nhỏ chống đối Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã tập trung ở
Quảng trường 1/5 tại trung tâm thủ đô Algiers, hô vang khẩu hiệu đòi Tổng thống
từ chức và vẫy các tờ báo đưa tin tổng thổng Ai Cập phải từ chức. Tuy nhiên,
cảnh sát chống bạo động đã xuất hiện, ngăn không cho họ tiến hành kế hoạch tiến
vào thành phố. Một số nhóm biểu tình khác cố áp sát quảng trường thì phát hiện
bị phong tỏa và ít nhất một chỉ huy biểu tình bị bắt.
Những người tổ chức biểu tình cho hay, hơn 400 người bị bắt. Tuy nhiên, ngoài
vài vụ xô đẩy giữa cảnh sát và người biểu tình, không có bạo lực lớn.
Tại Yemen, cảnh sát tấn công người biểu tình chống chính phủ, vốn đang ăn mừng
việc Tổng thống Ai Cập từ chức và đòi Tổng thống của nước này noi gương.
Hoài Linh (Theo Telegraph, KH)