Phụ nữ vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn của các khủng hoảng đan xen và đa chiều 

Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua ngày 25-9-2015 là sự tiếp nối của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) được Liên hợp quốc thông qua năm 2000.

Đặc biệt có một mục tiêu riêng dành cho bình đẳng giới, hay còn gọi là SDG 5 về “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái” bên cạnh SDG 10 về “giảm bất bình đẳng nói chung”.

SDG 5 gồm 6 chỉ tiêu cụ thể: Chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái; xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái; xóa bỏ các tập tục có hại; công nhận việc chăm sóc và việc nhà không được trả công và khuyến khích chia sẻ trách nhiệm trong gia đình; bảo đảm phụ nữ tham gia đầy đủ, hiệu quả và có các cơ hội bình đẳng để nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp ra quyết định về chính trị, kinh tế và trong cuộc sống; bảo đảm tiếp cận phổ quát với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quyền tình dục, sinh sản.

minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

SDG 5 cũng đưa ra 3 cách thức thực hiện, đó là: Cải tổ để trao quyền bình đẳng cho phụ nữ đối với các nguồn lực; Tăng cường sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; Thông qua và thực hiện các chính sách tốt và pháp luật có tính hiệu lực cao, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các cấp.

Như vậy, với mục tiêu trên, các nước tích cực nội hóa chương trình nghị sự về bình đẳng giới, cụ thể là vận động chính sách để bảo đảm ưu tiên mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các chủ trương, chính sách của quốc gia; áp dụng “cách tiếp cận toàn bộ chính phủ”, bao gồm cả việc xây dựng cơ chế, bộ máy về bình đẳng giới vững mạnh hơn; lồng ghép giới trong các kế hoạch và chương trình quốc gia một cách tổng thể và theo ngành/lĩnh vực; tăng cường đầu tư cho bình đẳng giới; cải thiện công tác thống kê giới và sử dụng số liệu thống kê giới; tăng cường tiếng nói, sự tham gia và lãnh đạo của các tổ chức phụ nữ và tổ chức xã hội trong quá trình giám sát, phản biện và giải trình.

Năm 2030 là thời hạn chót phải đạt được SDGs, trong đó bao gồm cả những mục tiêu tăng cường sự bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và bé gái, cũng như bảo đảm sự giáo dục có chất lượng và tăng thời gian được học tập cho toàn bộ nữ giới. Năm 2016, Liên hợp quốc đặc biệt thúc đẩy Sáng kiến Tăng cường hành động của Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu các chính phủ đưa ra những cam kết tầm quốc gia về việc xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới với hạn chót là năm 2030. Giám đốc Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết, trong khuôn khổ của sáng kiến này, hơn 90 quốc gia thành viên đã cam kết có hành động cụ thể để phá vỡ những rào cản cơ bản đối với nỗ lực đạt được bình đẳng giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, trong thời gian vừa qua, đa số các nước nhận định việc thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đang có dấu hiệu thụt lùi. Phụ nữ vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn của các khủng hoảng đan xen và đa chiều hiện nay.

Những kết quả và thành tựu Việt Nam đạt được trong bảo đảm bình đẳng giới

Phát biểu tại phiên thảo luận hồi tháng 10 tại Liên hợp quốc, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ nhận định cho rằng, phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, mất hoặc giảm thu nhập, tụt hậu về tiếp cận tri thức, các cơ hội việc làm và hội nhập, là nạn nhân của bạo lực giới.

Trong khi đó, chuyển đổi số và các xu thế kinh tế toàn cầu một mặt vừa là giải pháp, mặt khác đặt ra nguy cơ làm trầm trọng các tổn thương đối với phụ nữ.

Về khuyến nghị giải pháp, đại diện Việt Nam cho rằng, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ các nước thực hiện các cam kết quốc tế bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần ngăn ngừa bạo lực và phân biệt đối xử.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng lao động nữ về kỹ năng số, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển sự nghiệp trong các ngành khoa học và công nghệ, bảo vệ các quyền của phụ nữ trong môi trường số.

Nhân dịp này, đại diện Việt Nam nêu bật những kết quả và thành tựu Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và chiến lược phát triển.

Nổi bật là Việt Nam có tỷ lệ đại biểu quốc hội nữ và lãnh đạo nữ cao, bảo đảm việc làm cho phụ nữ, cân bằng giới trong kỹ năng số. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.