Để thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Bình Định, ngày từ đầu năm 2022, huyện An Lão đã lập 9 dự án.
Các dự án này bắt đầu được thực hiện từ quý 2/2022 tại địa bàn các xã: An Tân, An Trung, An Vinh, An Dũng, An Hưng, An Quang, An Nghĩa, An Toàn và thị trấn An Lão với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng.
Trong đó có 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, kinh phí thực hiện hơn 2,1 tỷ đồng, bao gồm: Dự án hỗ trợ bò cái nền cho người dân các xã An Tân, An Trung, An Dũng, An Hưng, An Quang và thị trấn An Lão; dự án hỗ trợ trâu cái giống cho xã An Toàn, An Nghĩa, An Vinh, An Dũng; các dự án hỗ trợ giống heo đen cho xã An Nghĩa, An Toàn, An Tân, An Quang, An Trung, An Vinh, An Hưng, An Dũng, thị trấn An Lão; dự án hỗ trợ gà thả đồi cho các xã An Quang, An Trung, thị trấn An Lão.
Ngoài ra, huyện An Lão còn hỗ trợ 226 triệu đồng để thực hiện 2 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo gồm: Dự án hỗ trợ trồng cây chuối sứ tại xã An Quang và An Hưng; dự án trồng cây dứa tại xã An Toàn và An Nghĩa.
Đối tượng tham gia các dự án trên là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với định mức hỗ trợ bình quân hộ nghèo 10 triệu đồng, hộ cận nghèo 8 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 6 triệu đồng.
Với dự án trồng dứa và chuối sứ, do điều kiện thời tiết bất lợi nên đến hết tháng 1/2023 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mới hoàn thành việc cấp cây giống dứa và chuối sứ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Toàn và An Nghĩa để thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã An Toàn và An Nghĩa được thực hiện với tổng nguồn vốn 526 triệu đồng, có 49 hộ dân được hưởng lợi, bao gồm 27 hộ được cấp miễn phí trồng 8.991 cây chuối sứ và 22 hộ được cấp trồng 7.326 cây dứa. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ không hoàn lại hơn 524 triệu đồng, người hưởng lợi đối ứng gần 1,8 triệu đồng. Hiện nay lượng chuối và dứa giống trên đã được triển khai trồng, đảm bảo đúng chất lượng và quy trình kỹ thuật hướng dẫn. Đây là 2 loại giống cây ăn quả rất thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai ở xã vùng cao An Nghĩa và An Toàn.
Khi chuối và dứa cho quả, người trồng được hưởng lợi 100% sản phẩm thu hoạch và có trách nhiệm duy trì và mở rộng diện tích trồng mới, đồng thời cung cấp cây con giống hỗ trợ cho các hộ có điều kiện trên địa bàn huyện để nhân rộng mô hình.
Các dự án được thực hiện nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương trong huyện.
Đối tượng nhận hỗ trợ của chương trình bao gồm người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo.
Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; mô hình, dự án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện.
Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo.
Các dự án trên được triển khai dựa trên nguyên tắc, phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với lợi thế so sánh; thế mạnh của từng vùng, miền; phù hợp với nhu cầu thị trường và bảo đảm tính hiệu quả bền vững; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hỗ trợ tham gia mô hình, dự án giảm nghèo đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; không gây ô nhiễm môi trường; tối đa 30% người dân (hộ không nghèo) tham gia mô hình, dự án giảm nghèo.