Bình Định hướng đến phát triển bền vững ảnh 1

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

PHÓNG VIÊN: Xin ông chia sẻ thêm một số thành tựu nổi bật mà tỉnh Bình Định đã gặt hái được trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua?

Ông HỒ QUỐC DŨNG: Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, bên cạnh những thành tựu về hạ tầng và thu hút đầu tư, Bình Định còn phát triển toàn diện, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi có nền kinh tế trong 5 năm liên tục tăng trưởng khá, quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng. Bên cạnh đó, các lĩnh vực về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách về an sinh xã hội đều có rất nhiều khởi sắc…

Trong đó, tổng sản phẩm của địa phương (GRDP) giai đoạn 2015 – 2020 tăng 6,4%, là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP khá trong khu vực miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng, giá trị tăng thêm tại các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần đối với ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá toàn diện, với giá trị tăng thêm trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 5 năm ước đạt 4,04%. Đến nay, năng suất lúa Đông Xuân đạt khoảng 70,4 tạ/ha; riêng năng suất lúa tại các cánh đồng mẫu lớn đạt từ 75 - 100 tạ/ha…

Đặc biệt, Bình Định là tỉnh đầu tiên xây dựng khu đô thị khoa học trên cả nước và bước đầu đã thành công. Trong đó, hạt nhân là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) do GS Trần Thanh Vân quản lý. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, ICISE đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học và các lớp chuyên đề quốc tế để đào tạo, nghiên cứu, thu hút hàng ngàn nhà khoa học quốc tế. Trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel, Fields, Kavli, Shaw, Kalinga, Cino Delduca…

Năm 2016, tại ICISE đã thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành thuộc nhóm vật lý lý thuyết (IFIRSE). Liên tục trong 3 năm (2017 - 2019), Viện IFIRSE được tổ chức Natrure Index xếp thứ 5 trong TOP 10 cơ sở nghiên cứu và giáo dục có công bố khoa học xuất sắc tại Việt Nam.

Bình Định hướng đến phát triển bền vững ảnh 2

Trung tâm ICISE là ở thung lũng sáng tạo Quy Hòa (TP Quy Nhơn) nơi hội tụ hàng ngàn nhà khoa học trên thế giới về học tập, nghiên cứu, thảo luận...

Cuối tháng 9-2020, tại thung lũng sáng tạo Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Công ty TMA Solutions (TPHCM) vừa tổ chức khai trương dự án Công viên sáng tạo TMA tỉnh Bình Định, giai đoạn 1 với 100 kỹ sư, chuyên gia phần mềm làm việc. Kỳ vọng khi hoàn thành giai đoạn 2, dự án sẽ là một trung tâm phát triển công nghệ 4.0 tại Việt Nam, sử dụng nguồn nhân lực, trí lực của khu vực miền Trung và Bình Định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Định còn gặp những rào cản, khó khăn gì?

Ông HỒ QUỐC DŨNG: Chúng tôi đã đi qua một chặng đường rất khó khăn, nhưng gặt hái được nhiều thành công rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chưa bao giờ, Bình Định có được “thiên thời địa lợi nhân hòa” như hôm nay. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Kinh tế tăng trưởng khá, nhưng còn một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương GRDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội. Chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Việc thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, các dự án lớn, mang tính động lực. Thu ngân sách nhà nước tăng khá, nhưng cơ cấu thu chưa bền vững…

Sắp bước qua nhiệm kỳ mới (2020-2025), Bình Định đặt ra phương hướng trong phát triển kinh tế - xã hội như thế nào thưa ông?

Ông HỒ QUỐC DŨNG: Trong giai đoạn 5 năm tới, Bình Định xác định 5 trụ cột chính để phát triển, gồm: công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Bình Định hướng đến phát triển bền vững ảnh 3

TP Quy Nhơn từng ngày đổi mới phát triển trở thành điểm đến ấn tượng của cả nước. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Địa phương sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá, gồm: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh, nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh…

Chúng tôi sẽ phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung; trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu và công nghiệp chế tạo, chế biến của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước vùng sông Mekong; trọng điểm du lịch miền Trung với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Vừa rồi, tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á (ATF 2020), Quy Nhơn là 1 trong 3 thành phố đại diện cho Việt Nam được nhận giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020”. Để khai thác tốt tiềm năng về du lịch tại TP Quy Nhơn, thời gian tới Bình Định sẽ hướng đến phát triển thành phố này như thế nào?

Ông HỒ QUỐC DŨNG: Đúng vậy, Quy Nhơn vừa được xướng danh là “Thành phố du lịch ASEAN”, hiện tại là thành phố đang có quy hoạch tốt nhất trong khu vực và cả nước. Thời gian qua, chúng tôi dành rất nhiều không gian của thành phố và dành hầu hết không gian ven biển để làm công viên cây xanh, công viên biển nhằm phục vụ người dân và cộng đồng. Trong định hướng, TP Quy Nhơn sẽ mở rộng không gian, phát triển ra phía Bắc, kết nối với đầm Thị Nại (gần 5.000ha), KKT Nhơn Hội, các vùng du lịch, đô thị biển từ Cát Tiến chạy dọc ven biển ra Đề Gi (Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Bình Định hướng đến phát triển bền vững ảnh 4

TP Quy Nhơn có quy hoạch rất thông thoáng, khoa học - nơi dành hầu hết không gian ven biển và nhiều diện tích nội thành để làm công viên cây xanh, công viên biển phục vụ cho người dân, cộng đồng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Từ đây sẽ mở ra một quỹ đất mới rộng lớn, tạo không gian phát triển có điểm nhấn cho TP Quy Nhơn. Ngoài ra, Quy Nhơn sẽ phát triển gắn liền với thung lũng sáng tạo Quy Hòa, kết nối trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch, đô thị biển. Từng bước hiện thực giấc mơ xây dựng Quy Nhơn thành thành phố khoa học đầu tiên của cả nước và khu vực, nơi tập trung những nguồn lực khoa học, trí tuệ nhân tạo tốt nhất.

Du lịch thời gian qua đã đem đến làn gió mới cho tỉnh Bình Định. Vậy chiến lược 5 năm tiếp theo địa phương có tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch?

Ông HỒ QUỐC DŨNG: Du lịch tạo ra việc làm, tạo ra không khí nhộn nhịp, sinh khí để phát triển. Thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bình Định đang hướng đến trở thành điểm du lịch “3 tốt” (an ninh tốt, môi trường tốt, quan hệ cộng đồng tốt) và “3 không” (không chặt chém, không dành giật khách, không người ăn xin). Trong đó, lấy Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN làm điểm nhấn, phấn đấu đến năm 2025, Bình Định sẽ thu hút trên 8 triệu khách du lịch.

Bình Định hướng đến phát triển bền vững ảnh 5

Cảng biển Quy Nhơn được kỳ vọng sẽ là "đòn bẩy" cho phát triển công nghiệp của Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Về lâu dài song song với phát triển du lịch, Bình Định sẽ tập trung phát triển công nghiệp sạch, xanh tạo ra một nội lực vững chắc hơn. Chúng tôi quyết tâm đi chắc, làm ăn chắc và tạo sự ấn tượng khác biệt, làm cái gì ra cái đó. Về cảng Quy Nhơn, sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư, xây dựng một khu logistics ở Phước Lộc, cuối đường QL19 mới. Từ đây, hàng hóa của vùng Tây Nguyên khi đổ về cảng Quy Nhơn sẽ được tập kết tại khu logistics ở Phước Lộc sau đó chuyển về cảng xuất khẩu ra thế giới.

Bên cạnh đó, Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển về nông nghiệp. Bởi hiện tại 60% dân sống của tỉnh nằm ở các vùng nông thôn, nông nghiệp phải là trụ đỡ vững chắc cho các ngành nghề khác. Bình Định sẽ tiến tới hình thành những “con sếu” đầu đàn trong ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, quan điểm của chúng tôi là, kinh tế có thể tăng trưởng chậm, nhưng đời sống, chất lượng cuộc sống người dân phải được đảm bảo tốt nhất, ngày càng được nâng cao hơn…

Xin cảm ơn ông!

Theo SGGP