Chị Đinh Thị Thúy (42 tuổi, người đồng bào Ba Na ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) là nhân viên y tế Trường Tiểu học Vĩnh Sơn, chồng ở nhà làm nương rẫy. Những năm trước, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, gia đình chị Thuý là một trong những hộ nghèo của địa phương.

Đầu năm 2018, chị Thúy được ngân hàng chính sách xã hội huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ vay 130 triệu đồng lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Từ số tiền này, gia đình chị Thúy đã mua keo giống về trồng trên diện tích hơn 5ha đất đồi.

W-giam-ngheo-1-1.jpg
Nhờ trồng keo, gia đình chị Thuý đã vươn lên thoát nghèo

Qua 4 năm trồng và chăm sóc, chị Thúy đã bán lứa keo đầu tiên, trả hết số tiền vay ngân hàng và có tiền nuôi 2 đứa con ăn học. Từ đó, chị Thuý tăng cường trồng và chăm sóc keo, phát triển kinh tế gia đình. Năm 2022, gia đình chị Thuý đã thoát nghèo.

Chị Thúy cho biết, khó khăn lớn nhất ở vùng núi Vĩnh Sơn là đường sá vùng núi đi lại khó khăn, cước phí vận chuyển cao nên người trồng keo chịu nhiều thiệt thòi.

“Đầu tiên còn nghèo khổ, tôi vay tiền của ngân hàng chính sách xã hội mua giống keo về để trồng. Nói chung cây keo dễ trồng, lớn lên mình dọn cỏ không tốn nhiều công đâu. Tôi trồng từng đợt, tổng một năm bình quân chắc cỡ 300 triệu đồng. Đến nay là tôi đã thoát nghèo bền vững và phải tiếp tục cố gắng. Bản thân cũng đã thoát nghèo rồi cũng phải chia sẻ cho bà con để phát triển kinh tế”, chị Thuý chia sẻ.

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh còn 1.028 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,09% (giảm 2,92% so với cùng kỳ năm 2022). Như vậy, kết quả giảm tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện này là 11,76%, với 1.128 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Trong đó, có 852 hộ nghèo thoát nghèo (giảm 8,85%) và 276 hộ cận nghèo thoát cận nghèo (giảm 2,92%).

W-giam-ngheo-3-1.jpg
Trồng ớt chỉ địa thay cây trồng kém hiệu quả là một trong những mô hình giảm nghèo tại Bình Định 

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cho biết, công tác giảm nghèo và hạn chế tái nghèo là một “bài toán” đặt ra với địa phương. Từ nghị quyết của cấp uỷ về giải pháp thực giảm nghèo năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND huyện cũng đã xây dựng các kế hoạch cho giai đoạn và hằng năm để cụ thể hoá các chỉ tiêu bằng các giải pháp cụ thể để xoá đói giảm nghèo.

Bằng nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo Quốc gia, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Vĩnh Thạnh tập trung ưu tiên cho 9 nhóm giải pháp trong tiểu dự án, tập trung triển khai đồng bộ.

“Ưu tiên trước hết là đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo giao thông, đầu tư triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình, tạo ra các liên kết chuỗi trong sản xuất. Làm sao để có tính sản xuất bền vững và đầu ra sản phẩm ổn định để người dân có tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích”, ông Thành cho hay.

W-giam-ngheo-2-1.jpg
Vĩnh Thạnh đầu tư phát triển hạ tầng, đảm bảo giao thông 

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã kịp thời triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện có liên quan, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo quy định các dự án, tiểu dự án thành phần.

Qua đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua việc giải ngân của chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Bình Định còn chậm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu từng huyện miền núi xây dựng đề án cụ thể. Lồng ghép các chương trình các chường trình để có phương án tổng thể của địa phương, xây dựng cơ chế chính sách về công tác giảm nghèo.

Duy Tuấn và nhóm PV