Kiến thức học được từ lớp dạy nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh đã giúp anh Trần Trung Thảo, chủ vườn mai Quang Thảo, ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) nâng cao thu nhập. Thu nhập làm ra, ngoài chi tiêu thường nhật, anh còn để dành được một phần.
Anh Thảo phấn khởi chia sẻ, tham dự khóa đào tạo nghề rất hữu ích. Giờ đây, tôi đã có thể tạo ra nhiều sản phẩm mai bon sai bán với giá cao gấp 2-3 lần so với việc trồng mai đại trà như trước ”.
Mấy năm trước, sau khi mạnh dạn đăng ký tham dự lớp dạy nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Thái Học, xã Phước Mỹ đã háo hức áp dụng kiến thức được học mở trang trại hơn 2 ha chăn nuôi heo, bò, dê, gà thả vườn, vịt xiêm, cá. Nhờ làm ăn chăm chỉ cộng thêm có kiến thức, kỹ năng mới ông Học thu nhập mỗi năm trên nửa tỉ đồng.
Câu chuyện của ông Nguyễn Thái Học và anh Trần Trung Thảo cho thấy hiệu quả tích cực của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai hiệu quả tại Bình Định.
Cái được lớn nhất của chương trình này là việc người dân đã thay đổi nhận thức, hành vi vượt ra khỏi mái tranh, góc bếp, tự tin, mạnh dạn vươn ra làm ăn lớn, tạo thêm công ăn việc làm cho những người xung quanh.
Chứng kiến những thành công của một số học viên sau khi tham gia các khóa đào tạo nghề, người nông dân ngày càng hứng thú tham gia các khóa học giảm dần cách nghĩ rằng chỉ cần “cha truyền con nối” là đủ.
Rõ ràng, kinh nghiệm cộng thêm kiến thức mới đã giúp người nông dân không chỉ giảm nghèo mà còn có thể trở nên giàu có.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng đi đúng
Nhìn lại gần 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2009 - 2019), huyện Tây Sơn (Bình Định) đã tổ chức dạy nghề cho hơn 4.600 lao động. Cơ cấu nghề đã có sự chuyển biến tích cực, theo đó có 40% nông dân học các nghề nông nghiệp, 60% học các nghề phi nông nghiệp.
Số liệu thống kê của huyện cho hay, các nghề được nhiều người chọn là: May công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi - thú y, điện dân dụng, cơ khí hàn tiện, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn. Với các kiến thức, kỹ năng được truyền đạt, cập nhật, các học viên đã áp dụng thành công vào sản xuất; góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Tại huyện Tuy Phước, cơ quan ban ngành đã đăng ký mở 21 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện từ nay đến hết tháng 11/2019. Trong đó: 11 lớp nghề phi nông nghiệp và 10 lớp nghề nông nghiệp, với khoảng 850 lao đông tham gia học.
Bình Định: Hiệu quả công tác đào tạo nghề nông thôn |
Thị xã An Nhơn, địa phương đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã mở 16 lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nghề nghiệp cho 572 lao động nông thôn với thời gian học nghề từ 2 - 3 tháng.
Các nghề được đào tạo là: Điện dân dụng; may công nghiệp; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, gà; sửa chữa máy nông nghiệp, chăm sóc và tạo dáng cây cảnh; kỹ thuật chế biến món ăn…
Theo tổng kết của UBND tỉnh Bình Định, giai đoạn 2018 – 2020 cho thấy, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nghiệp cho lao động của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để lao động tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Việc tăng cường đào tạo nghề nghiệp cho lao động gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo đã giúp bà con nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ những thành công đó, Bình Định đặt mục tiêu đào tạo mới cho khoảng 101.682 người, trong đó: đào tạo trình độ cao đẳng 8.574 người, chiếm 8,43%; đào tạo trình độ trung cấp 6.118 người, chiếm 6,02%; đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 86.990 người, chiếm 85,55% (khoảng 70% là lao động nông thôn).
Bảo Anh