Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao
Theo đó, bộ tiêu chí xã NTM nâng cao được áp dụng cho các xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, làm cơ sở để UBND các xã tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt.
Quyết định nêu rõ các tiêu chí xã NTM nâng cao gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, giáo dục, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, hành chính công, tiếp cận pháp luật, môi trường, chất lượng môi trường sống, quốc phòng và an ninh.
UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá và công bố mức độ đạt từng tiêu chí NTM nâng cao của các xã trên địa bàn tỉnh trước ngày 20/12 hàng năm; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận, công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu NTM nâng cao thuộc lĩnh vực ngành quản lý; định kỳ hàng năm đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn của các xã đối với những nội dung, tiêu chí NTM nâng cao thuộc ngành quản lý..
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại mức độ đạt chuẩn, xây dựng kế hoạch nâng chất các tiêu chí còn hạn chế để đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Định kỳ hàng năm, các đơn vị tổ chức đánh giá và công bố mức độ đạt từng tiêu chí NTM nâng cao của từng xã trên địa bàn, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan trước ngày 20/11 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Đạt nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, đến nay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tích.
Theo đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bình Dương đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 219 sản phẩm OCOP của 99 chủ thể, gồm 31 công ty, 14 hợp tác xã, 8 trang trại, 45 hộ kinh doanh và 1 tổ hợp tác.
Trong đó, có 207 sản phẩm OCOP 3 sao, 12 sản phẩm OCOP có 4 sao. Các sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 5.764ha diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh...
Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% số xã trong tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP...
Để chương trình xây dựng NTM mang lại nhiều kết quả tốt hơn nữa, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương đề nghị các huyện, thị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ về thực hiện xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Đồng thời phát động và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”…
Sở NN&PTNT cũng đề nghị trên cơ sở đặc điểm, lợi thế, tiềm năng của địa phương, các huyện cần lựa chọn lĩnh vực phù hợp để thực hiện NTM kiểu mẫu gắn với quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị tại địa phương.
Các địa phương cũng cần triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách liên quan; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách để khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; ưu tiên triển khai các Chương trình OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số, hướng tới NTM thông minh…
Thanh Mai