“An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”

Khai mạc hội nghị vừa diễn ra chiều 1/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng thông tin, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bình Dương đã triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân, đến nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát.

Thực hiện phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển sang trạng thái bình thường mới sau ngày 30/9/2021.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh từng bước hoạt động trở lại theo phương án “3 tại chỗ”, “ 01 cung đường, 02 địa điểm” và mô hình “3 xanh”, tuy nhiên phải đảm bảo thực hiện đúng những quy định an toàn trong phòng, chống dịch.

{keywords}
Chiều 01-10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, hội nghị trực tuyến hôm nay là cơ hội để Bình Dương lắng nghe những ý kiến, đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp để tỉnh tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.

Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới

Đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Erwin Debaere – Tổng Thư ký EuroCham đánh giá, trong đợt dịch thứ 4 này, các doanh nghiệp trong Hiệp hội có nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số lượng các doanh nghiệp duy trì hoạt động chỉ chiếm 30%, công suất làm việc cũng chỉ đạt khoảng 30%; doanh thu giảm đến 50% so với các năm trước.

Mô hình “3 tại chỗ” đang áp dụng tại các doanh nghiệp kéo dài dẫn tới chi phí duy trì hoạt động tốn kém, tâm lý của công nhân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc nhập nguyên vật liệu hiện tại rất khó khăn, lưu thông hàng hóa, di chuyển nội, liên tỉnh thời gian qua cũng gặp trở ngại khiến doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Do đó, Erwin Debaere kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới như: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nội tỉnh và liên tỉnh; tiếp tục cho phép các chuyên gia trở lại Bình Dương làm việc; cải thiện mô hình “3 xanh” cho phù hợp; sớm triển khai tiêm vắc xin cho công nhân để đạt miễn dịch cộng đồng và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động…

Thời gian tới, sẽ triển khai 05 nhiệm vụ 

Kết luận hội nghị, ông Mai Hùng Dũng cảm ơn các doanh nghiệp đã luôn đồng hành, chia sẻ cùng chính quyền tỉnh trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Qua ý kiến của các doanh nghiệp, tỉnh sẽ có phương án sản xuất áp dụng tại các doanh nghiệp phù hợp với lộ trình khôi phục sản xuất trong thời gian bình thường mới.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cũng thông tin thêm về việc tỉnh sẽ triển khai 05 nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là khoanh vùng dập dịch ở quy mô nhỏ nhất có thể để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; đưa y tế đến gần dân, công nhân nhất thông qua các Trạm y tế lưu động; tạo điều kiện cho việc di chuyển của công nhân trong không gian an toàn; tăng cường phủ vắc xin đối với người dân và công nhân lao động; gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất.

Phó Chủ tịch Mai Hùng Dũng đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động sản xuất trở lại có thể liên hệ với ngành chức năng của tỉnh để trao đổi, bàn giải pháp cụ thể. Tỉnh cũng sẽ cố gắng cho phép mở dần công suất hoạt động của các doanh nghiệp theo từng lộ trình để đảm bảo phòng, chống dịch.

Cửu Long