Sáng 12/12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù và 3 năm thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. 

anh 43.jpg
Trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 6 tập thể đạt thành tích trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg. Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương

Qua 5 năm thực hiện các Chỉ thị số 33/CT-TTg và 3 năm thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đã có những chuyển biến tích cực, tạo môi trường xã hội lành mạnh, giúp người chấp hành xong hình phạt tù có cơ hội sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Thượng tá Võ Đức Tín, Phó trưởng Công an TP. Thủ Dầu Một cho biết, để giám sát và kiểm tra kế hoạch đã ban hành, định kỳ hàng quý, 6 tháng, Công an TP. Thủ Dầu Một yêu cầu công an các phường kiểm tra nhằm phát hiện những mặt chưa làm được của từng địa phương và đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 

Song song đó, tùy theo tình hình thực tế từng địa phương mà triển khai nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến để giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng.

Kết quả đến nay, các phường Phú Mỹ, Phú Cường, Phú Hòa đã triển khai hiệu quả mô hình quản lý giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về địa phương và tiến hành củng cố nhân rộng đến các phường còn lại. 

Công an thành phố cũng phối hợp cùng các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho 190 người, có 27 người được các tổ chức, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận.

Tính đến ngày 30/10, Công an TP. Thủ Dầu Một đã chỉ đạo và phân công các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ 200 người chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn, làm thủ tục đăng ký cư trú cho 120 người; hướng dẫn cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân cho 30 người; hướng dẫn thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp cho 20 người; hướng dẫn thủ tục xóa án tích 240 người; hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính khác 50 người; tổ chức các hình thức trợ giúp về tâm lý cho 150 người. 

Công an thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Bình Dương hỗ trợ vay vốn cho 4 người chấp hành xong án phạt tù với số tiền 280 triệu đồng.

Báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương cũng cho biết thêm, trong 5 năm, toàn tỉnh đã tiếp nhận 2.904 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Số người chấp hành án phạt tù về địa phương đều được hướng dẫn làm căn cước công dân, tư vấn làm thủ tục xóa án tích; đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm. Có 20 trường hợp được vay vốn hỗ trợ việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền 1 tỷ 250 triệu đồng. 

Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu lực lượng Công an các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp quan tâm, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho từng nhóm đối tượng; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Xác định rõ công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong tham mưu tổ chức thực hiện.

Thanh Mai