Chiều 23/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2024.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành tham dự.
Theo báo cáo, đến ngày 20/10, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn NTM; 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Cả nước có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó, đã có 11 huyện (5%) được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đối với Bình Dương, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, thời gian qua tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, quán triệt tư tưởng “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 41 xã đều đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn NTM; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020...
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã công bố thêm một số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu năm 2023.
Trước đó, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UBND công nhận xã Phú An, thị xã Bến Cát đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về văn hóa năm 2023.
Hiện, các địa phương đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Trải qua gần 4 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn Bình Dương đến nay đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, huy động được các nguồn lực tổng hợp. Trong 6.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023, thì 51% là huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai thực hiện kế hoạch về xây dựng NTM thông minh đến năm 2025. Kế hoạch thực hiện trên cả 3 tiêu chí về chính quyền, kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin.
Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.
Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP, địa phương xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến, thực tế ảo để xúc tiến thương mại, khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến. Tỉnh còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.
Thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn. Đến năm 2025, tỉnh cũng đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường.
Ngô Huyền