UBND tỉnh Bình Dương vừa họp Sơ kết 6 tháng triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính.
Triển khai các dịch vụ công thiết yếu
Theo đó, thực hiện Đề án 06, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác Đề án 06 trên địa bàn tỉnh nhằm phân công, quy định rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên trong Tổ công tác. Đồng thời triển khai, quán triệt, phổ biến đến các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, Công an tỉnh đã triển khai 10/11 dịch vụ; riêng các sở, ban, ngành triển khai 11/14 loại thủ tục hành chính, còn 03 dịch vụ chưa thực hiện.
Hiện tại hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của các đơn vị một cửa, các bộ phận chuyên môn được liên thông từ khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đến khâu trả kết quả trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ngoài ra, hệ thống cũng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xác thực tự động dữ liệu khi người dân kê khai.
Việc liên thông dữ liệu đối với các hồ sơ được người dân, doanh nghiệp thực hiện trên Cổng dịch vụ công đều được đồng bộ giữa 3 hệ thống: Cổng dịch vụ công tỉnh, Hệ thống thông tin một cửa và Cổng dịch vụ công thiết yếu. Trên Hệ thống thông tin một cửa đã tích hợp 3 cơ sở dữ liệu quốc gia, cụ thể: Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu cấp mã số quan hệ ngân sách phục vụ việc tra cứu, thống kê báo cáo được thống nhất.
Tổ công tác Đề án 06 đã chỉ đạo Công an tỉnh duy trì công tác làm sạch dữ liệu thông tin dân cư bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; 100% công dân đều được thông báo đầy đủ mã số định danh và triển khai cấp tài khoản định danh điện tử mang lại các tiện ích cho người dân.
Theo đó, Công an tỉnh có văn bản yêu cầu Trưởng Công an cấp huyện chỉ đạo lực lượng Công an cấp xã rà soát, đối chiếu theo quy trình thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để cập nhật thông tin công dân vào hệ thống dân cư; hoàn thành nhiệm vụ, tạo điều kiện để mọi công dân dễ dàng tiếp cận với các chính sách, chương trình ưu đãi, gói hỗ trợ; giảm thiểu các giấy tờ, thủ tục tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đơn vị đang khẩn trương khắc phục các lỗi bảo mật do Cục Nghiệp vụ Bộ Công an và Phòng Nghiệp vụ Công an tỉnh chỉ ra. Hiện tại đã khắc phục được 5/15 yêu cầu.
Việc nâng cấp hệ điều hành mới đối với hệ thống máy chủ và kết nối với phần mềm một cửa đang được xây dựng mới và thử nghiệm nhằm tránh tình trạng phát sinh lỗi, mất dữ liệu khi đưa vào vận hành chính thức. Dự kiến đến tháng 9 sẽ thực hiện kết nối chạy chính thức.
Ông Lê Tuấn Anh cũng cho hay, việc kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xác thực tự động dữ liệu khi người dân kê khai, quy trình tiếp nhận thực hiện còn nhiều hạn chế. Để xử lý tiếp nhận hồ sơ trên dịch vụ công này trên Trang thông tin điện tử một cửa còn phức tạp và mất nhiều thời gian. Hệ thống xử lý thông tin còn chậm, đường truyền mạng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thường xuyên bị ngắt kết nối ảnh hưởng đến thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ và làm sạch dữ liệu dân cư. Bên cạnh đó, công dân còn lo ngại mất an toàn thông tin cá nhân khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công và cho rằng nộp hồ sơ trực tiếp sẽ an toàn hơn.
Trong thời gian tới, Sở Thông và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh tập trung nguồn lực để mua sắm, nâng cấp thiết bị, phần mềm, hoàn chỉnh khắc phục các sự cố về an toàn thông tin theo đánh giá để sớm kết nối vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh tuyên truyền và chấp nhận các hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp nộp qua mạng có sử dụng chữ ký số di động (sử dụng sim), chữ ký số từ xa mà không cần nộp giấy.
Tăng cường hệ thống giao thông thông minh
Đối với Kế hoạch triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị thực hiện khảo sát thực tế dọc theo tuyến Quốc lộ 13 (thị xã Bến Cát) và thống nhất chọn 3 điểm tại các giao lộ phức tạp về giao thông trên địa bàn thị xã Bến Cát để triển khai thí điểm.
Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu camera tại 3 vị trí lắp đặt mới như trên vào Trung tâm Điều hành, quản lý giao thông, an ninh trật tự thị xã Bến Cát với Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh và các đơn vị liên quan nếu có yêu cầu.
Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan để trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện dự án đầu tư lắp đặt "Camera giám sát cháy, giám sát an ninh, an toàn giao thông" trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, địa phương đang triển khai các dự án nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra của kế hoạch. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với đơn vị triển khai tiến hành khảo sát tại Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện việc tích hợp dữ liệu camera về IOC tỉnh và thực hiện duy trì kết nối thường xuyên nhằm thử nghiệm và thực hiện chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp để tham mưu UBND tỉnh định hướng về kỹ thuật công nghệ nhằm đảm bảo triển khai hệ thống đồng bộ trong thời gian tới.
Qua báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ tại 9 huyện, thị, thành phố. Kêu gọi xã hội hóa gắn camera an ninh để giảm chi phí. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng khung tiêu chuẩn cho các địa phương để đảm bảo đồng bộ, kết nối; làm việc với nhà mạng để tư vấn gói cước tối ưu nhất.
Nhật Linh