Nhìn lại 3 năm vừa qua có thể thấy rõ, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, Bình Dương nổi lên là điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, quyết liệt giữ địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi luôn được tỉnh triển khai tích cực và hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin, thành lập các tổcông tác để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo thống kê, tính đến ngày 15/7, tỉnh Bình Dương đã thu hút 52.472 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (tăng 16,5% so với cùng kỳ) nhưng có 55 doanh nghiệp giảm vốn hơn 2.300 tỷ đồng và 366 doanh nghiệp giải thể vốn hơn 2.700 tỷ đồng.

Các chỉ số về sản xuất công nghiệp nhìn chung tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp khai khoáng, sản xuất và phân phối điện khí đốt có chỉ số giảm. Các ngành còn lại giữ mức tăng nhưng không quá cao.

Tỉnh đánh giá khó khăn kinh tế nằm ở lĩnh vực xuất nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu. Trong báo cáo tại cuộc họp cuối tháng 7, lãnh đạo tỉnh cho biết kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 15,1 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu 10,7 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ.

Trước tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, để góp phần thực hiện có kết quả mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương đã triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, tỉnh còn có các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới... Tỉnh cũng xây dựng cơ chế đối thoại để đồng hành với doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước nhằm chia sẻ các khó khăn, vướng mắc; phối hợp với doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề về lao động, an sinh xã hội… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương có nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc lắng nghe doanh nghiệp; chỉ đạo các sở ngành địa phương chủ động rà soát tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; lập tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, hệ thống báo cáo trực tuyến để trao đổi, nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, Bình Dương tổ chức được 6 cuộc họp để tháo gỡ các khó khăn. Tỉnh tiếp nhận hơn 170 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, phối hợp với các sở, ngành để giải quyết. 

UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương triển khai thực hiện Thông tư số 03/2022/TT-NHNN và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, theo đó yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Cơ cấu lại nợ, giãn nợ, khoanh nợ, cho vay mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đồng thời tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương, đến nay, tổng dư nợ tính đến ngày 30/6/2023 ước đạt 295.953 tỷ đồng, tăng 3,63% so với đầu năm; tập trung vào dư nợ cho vay VNĐ (chiếm 88,16%) và dư nợ cho vay ngắn hạn (chiếm 54,93%), nguồn tiền vay tập trung vào nhu cầu vay phục vụ sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Để giúp tháo gỡ khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp do thời gian vừa qua các thị trường truyền thống của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như Mỹ, châu Âu giảm nhu cầu, giải pháp của tỉnh là triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông…). Cùng với thị trường quốc tế, tỉnh xác định thị trường nội địa cũng rất quan trọng. Do đó tỉnh ưu tiên tập trung đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn… Song song với đó tỉnh cũng tích cực xây dựng chương trình phát triển TMĐT với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến.

Tỉnh Bình Dương cho biết, tới đây sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Tỉnh dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ, thủ tục qua mạng và chuyển trả kết quả qua đường bưu điện. Thúc đẩy số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công cũng là cách cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Với nền tảng từ đề án thành phố thông minh, Bình Dương đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh, trong quý 4/2023, Trung tâm triển lãm quốc tế thành phố mới Bình Dương sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tuyển chọn 30 doanh nghiệp để đào tạo chuyên sâu giúp các doanh nghiệp có thể trang bị đầy đủ các nền tảng để chuẩn bị sẵn sàng đưa sản phẩm của mình lên nền tảng Youtube của sàn giao dịch quốc tế. Đây là cơ hội rất quan trọng, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh Bình Dương vươn tầm thế giới.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV