Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, đến nay Bình Dương đã có 86.050 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở 9/9 huyện, thị, thành phố, hơn 48.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 716 ca tử vong.
Sáng 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có mặt ở Bình Dương, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch và thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.
Toàn tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/07/2021, ngưng hoạt động trong khung thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau. Tỉnh đang thực hiện khoá chặt, đông cứng ở 11 phường "vùng đỏ" của TP.Thuận An và TX.Tân Uyên nơi có tỷ lệ F0 rất cao trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 22/8/2021 và 04 phường của TP.Dĩ An trong vòng 07 ngày, kể từ ngày 23/08/2021.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng nhằm kiềm chế lây nhiễm, hạn chế đà tăng nhanh số ca F0, giảm thiểu số ca tử vong; những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc phải khóa chặt, kiểm soát người ra, vào. Bình Dương áp dụng điều trị theo mô hình 03 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh đã phát huy hiệu quả.
Công tác triển khai các chính sách an sinh xã hội được khẩn trương thực hiện trên tinh thần không để người dân nào chịu đói. Tính đến ngày 26/8/2021, tỉnh đã hỗ trợ 234.526 trường hợp theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP với số tiền 357,1 tỷ đồng, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ (300.000 đồng/người lao động) cho 959.708 trường hợp với số tiền 287,9 tỷ đồng, hỗ trợ thực phẩm bằng tiền hoặc quà trị giá 500.000 đồng/người cho lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ với số tiền 482 tỷ đồng. Lũy kế đã chi hỗ trợ cho 2.158.347 trường hợp với số tiền là 1.127 tỷ đồng.
Dự báo, sắp tới, số ca bệnh có thể lên đến 150.000 ca, Bình Dương tiếp tục ưu tiên cao độ, huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm vắc xin để tiêm đủ cho người dân ở khu vực "vùng đỏ" trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời chi viện bổ sung nhân lực y tế cho tỉnh, nhất là lực lượng cho 100 Trạm y tế lưu động (mỗi trạm 01 bác sĩ, 02 điều dưỡng) để ứng cứu ngoại viện cho người dân…
"Khi người dân gọi - xã, phường phải đáp"
Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương của Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận, Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương trong quá trình phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất những lúc dịch bệnh được kiềm chế trong hơn 1 năm qua.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương, ghi nhận vai trò quyết định của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ, tham gia, đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, việc tổ chức thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Việc phòng chống dịch tại Bình Dương lần này đã đạt những kết quả nhất định, 4 huyện đang kiểm soát được tình hình (vùng xanh), 2 đơn vị cấp huyện đang chuyển từ vàng sang xanh. Tuy nhiên, tại 3 địa phương (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên) dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhất là tại 15 xã, phường thực hiện tăng cường giãn cách, cần tập trung nhiều hơn, cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các biện pháp phòng chống dịch.
Mục tiêu là cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể, chậm nhất tới 15/9 phải kiểm soát được tình hình theo quy định của Bộ Y tế, nhanh chóng đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Những nơi đủ điều kiện thì tiếp tục sản xuất an toàn.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải vận động, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của người dân. Các xã, phường, thị trấn quán triệt phương châm này đến tận người dân, kêu gọi người dân tham gia hưởng ứng, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt phải đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm, tăng cường năng lực y tế ở cấp xã; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân khi giãn cách. "Khi người dân gọi - xã, phường phải đáp" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề xét nghiệm, phải thực hiện thần tốc, kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả. Phân loại F0 để chăm sóc, điều trị kịp thời ngay tại tầng 1 để giảm tải cho tầng trên, giảm tỷ lệ tử vong. Nghiên cứu phương án giãn dân tại các khu vực "vùng đỏ" sang các "vùng xanh". Bố trí các khu lương thực để đáp ứng nhu cầu người dân khi thực hiện giãn cách. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Về tổ chức thực hiện, các xã, phường, thị trấn khẩn trương thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, lãnh đạo tỉnh, huyện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. Xây dựng kịch bản để chuẩn bị nhân lực, vật lực.
Thủ tướng nhấn mạnh, đã quyết tâm rồi phải có quyết tâm cao hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, đã phối hợp chặt chẽ rồi phải chặt chẽ hơn nữa, đã có kết quả rồi phải đạt kết quả cao hơn nữa. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu và bày tỏ tin tưởng chậm nhất ngày 15/9, Bình Dương sẽ kiểm soát được tình hình.
Bí thư Tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cam kết, toàn tỉnh sẽ nỗ lực cao nhất để đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới vào ngày 15/9 và trong quý IV sẽ ổn định và phát triển trở lại.
Cửu Long