Bình Dương hiện có trên 4.100 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau Tp.Hồ Chí Minh. Riêng giai đoạn 2020-2023, Bình Dương thu hút vốn FDI đạt 9,56 tỷ USD, vượt chỉ tiêu cả giai đoạn 2020-2025 là hơn 9 tỷ USD. Sự bứt phá này đã và đang tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất. 

Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

khucongnghiep.png
Ảnh minh hoạ

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm 442 doanh nghiệp dệt may, 172 doanh nghiệp da giày, 593 doanh nghiệp chế biến gỗ và 710 doanh nghiệp cơ khí.

Một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đã hình thành liên kết ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Sợi Thiên Nam, Kyung Bang, Polytex Far Eastern…; sản xuất phụ tùng, linh kiện xe đạp để lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp tại Công ty Asama, DDK, SR Suntour, Active…

Nhằm thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương đã ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợvà nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, dù có lợi thế về cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại so với các địa phương khác, nhưng Bình Dương vẫn chưa có KCN về công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu. Như vậy, nếu tới đây KCN cơ khí hỗ trợ đi vào hoạt động sẽ giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn quốc tế lựa chọn để đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ.

Để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương đã hình thành KCN tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại KCN này.

Điển hình như dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ đô la Mỹ, trên diện tích 42 ha của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô; dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) với vốn đầu tư đăng ký 1,370 tỷ đô la Mỹ… Ngoài ra, dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu đô la Mỹ tại KCN VSIP II-A.

Đầu tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản 2023”, UBND tỉnh Bình Dương trao giấy phép đầu tư và giấy phép xây dựng nhà máy cho 3 doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 158 triệu USD.

Trong số 3 dự án được trao giấy phép đợt này có 2 dự án được trao giấy phép xây dựng nhà máy, một dự án được trao giấy phép đầu tư. Đầu tiên là dự án mở rộng nhà máy của Công ty TNHH Nitto Denko.

Nitto Denko mở rộng nhà máy để sản xuất và gia công các sản phẩm mạch in dẻo (FPC), vật liệu điện tử chính xác, vật liệu điện, các sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn, các loại linh kiện quang học. Nhà máy cũng sản xuất và gia công sản xuất các sản phẩm mạch tích hợp (CIS). Nitto Denko đầu tư vào Bình Dương hơn 113 triệu USD để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dự án thứ hai được trao giấy phép xây dựng là xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của Công ty TNHH Yuwa với số vốn đầu tư 40 triệu USD. Yuwa đầu tư vào Bình Dương để sản xuất linh kiện đấu nối, linh kiện công tắc, linh kiện ô tô và các loại linh kiện khác dùng trong thiết bị điện tử và dụng cụ y tế.

Bình Dương đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Cửu Long