5 năm liên tiếp dẫn đầu
Theo báo cáo chính thức của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2021 do hiệp hội tiến hành khảo sát, Bình Dương đạt 14,86 điểm, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành của cả nước về phát triển thương mại điện tử (tăng một bậc so với năm 2020).
Ảnh minh họa |
Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bình Dương giữ vững vị trí trong nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển thương mại điện tử.
Trong đó, một số chỉ số phát triển nổi bật, như: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin đạt 20,31 điểm, xếp thứ 4 cả nước; giao dịch của doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) đạt 11,86 điểm, xếp thứ 3 cả nước; giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) đạt 14,9 điểm, xếp thứ 3 cả nước.
Được biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại – dịch vụ.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025
Trên cơ sử đó, cũng nhằm xây dựng kế hoạch dài hơi, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành Kế hoạch số 3248/KH-UBND phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, đến năm 2025, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Phát triển mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Phấn đấu giữ vững thứ hạng thuộc nhóm 05 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử.
Cụ thể, doanh số thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn tham gia vào thị trường bán lẻ trực tuyến chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 35%; xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả Sàn Thương mại điện tử tỉnh Bình Dương; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch này, tỉnh Bình Dương đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác giữa các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quản lý và phát triển thương mại điện tử, khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.
Sở Công thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
Kể từ năm 2021, Chỉ số EBI được phân tích, tổng hợp dựa trên 3 trụ cột: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch của doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Giảm 1 thành phần so với năm 2020 (giao dịch giữa Chính phủ và doanh nghiệp - G2B). |
Cửu Long