- Ngân hàng Nhà nước đang từng bước hiện thực hóa các giải pháp chống vàng hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để bình ổn thị trường vàng sẽ còn nhiều vấn đề phải làm trong đó chuyện giá vàng đắt rẻ chưa hẳn đã là quan trọng nhất.

Quốc hội nóng với vàng

Tại phiên họp Quốc hội ngày 31/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tình trạng vàng hoá nền kinh tế đã bị đẩy lên rất cao. Theo đánh giá chưa đầy đủ thì nền kinh tế có 300 - 400 tấn vàng, tương đương 15 đến 20 tỷ USD đã không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bị chôn chặt vào vàng. Hơn nữa khi giá vàng có biến động thì nó làm ảnh hưởng đến tỷ giá USD…

Theo đó, chống "vàng hóa", có 2 mục tiêu chính là làm sao cho biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, do vậy không thể làm ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp đến là ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vàng hóa, có thể huy động ngược trở lại số lượng vàng này cho việc phát triển kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Đề án chống vàng hóa được xây dựng gồm 3 bước: xây dựng khung pháp lý; chấm dứt hoạt động huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng và chuyển toàn bộ giao dịch về vàng sang quan hệ mua bán. Đến nay đề án này đã triển khai cơ bản được 2 bước và đã có kết quả ban đầu.

Thống đốc Bình cho biết, từ tháng 5/2012 trở lại đây, giá vàng bên ngoài và trong nước chênh nhau khá lớn từ 1 triệu đến nay là 3 triệu đồng/lượng, nhưng không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, tỷ giá hoàn toàn ổn định.

Dân không đổ đi mua vàng thì vàng hóa đã được chặn đứng, từ tháng 5 đến nay, ngân hàng đã mua lại 60 tấn vàng từ nền kinh tế, nói chính xác là đã có 60 tấn vàng được chuyển đổi sang tiền để phục vụ kinh tế xã hội. Từ đó thực hiện mục tiêu thứ 2 là chặn đứng và huy động nguồn vốn này cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, đô la hóa và vàng hóa cũng như chủ trương thu hút nguồn vốn trong dân là đúng nhưng phải tính những phương án khác để dân thấy lợi mà bán vàng.

Tập quán và truyền thống lâu đời của người Việt Nam là tích trữ vàng. Việc thuyết phục người dân chuyển sang quan hệ mua bán vàng không dễ, do người dân có thói quen tích trữ vàng từ lâu đời, mà kinh tế càng bất ổn, thì tình trạng tích trữ vàng càng tăng. Hiện nay kinh tế trong nước còn khá bất ổn, lạm phát chưa ổn định thì tâm lý tích trữ vàng để phòng thân của người dân đặc biệt lên cao, vì thế người ta vẫn sẵn sàng giữ vàng trong nhà, việc chuyển vàng thành tiền để đầu tư không đơn giản.

Bên cạnh đó, là việc xây dựng thương hiệu vàng miếng quốc gia mang tên SJC và trên thị trường hiện nay giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới tới 3 triệu đồng/lượng và cũng cao hơn giá miếng không phải SJC khoảng 3 triệu đồng/lượng.


Với giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 3 triệu đồng, thì tại sao không cho nhập khẩu mà lại phải mua với giá cao như vậy. Mua giá cao như vậy là vì mục đích gì và thiệt hại bao nhiêu?

Rõ ràng, sự chênh lệch giá vàng so với thế giới đang là vấn đề bức xúc của nhiều người. Và một câu hỏi bình thường là lợi nhuận từ khoảng chênh lệch đó sẽ đi về đâu.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới không phải mới xuất hiện mà nó đã có mỗi khi có cơn sốt vàng khiến cầu cao hơn cung. Tuy nhiên, rất khó để để nói các DN vàng kiếm được khoản lợi lớn này bởi vì không ai dám và không ai đủ sức.

Đơn giản, để làm giá và ăn được khoản chênh lệch này các DN vàng phải được kinh doanh vàng trên tài khoản để mua và chốt giá theo từng thời điểm. Hoặc các DN vàng phải có khoản vàng dự trữ lớn. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay là không một DN nào được kinh doanh vàng trên tài khoản, nên không được mua vàng trên thế giới, không dám chấp nhận rủi ro khi nâng giá vàng lên để hưởng lợi khi giá thế giới tăng. Hơn nữa, với các năng lực của các DN vàng hiện nay thì không ai đủ sức nên không dám mạo hiểm dự trữ vàng.

Khi giá vàng lên cao, DN kinh doanh vàng chỉ có thể kiếm lãi bằng việc trung gian kinh doanh giữa người mua và người bán, DN có thể kiếm lợi tý chút khi kéo dãn khoảng cách giá mua – bán. Còn khoảng cách giá lớn là do cung cầu và lợi nhuận đó sẽ do người nắm vàng hưởng. Ai chấp nhận mua thì phải chịu.

Trong khi đó, với các quy định mới, Ngân hàng Nhà nước đã cắt được mới liên hệ giữa vàng và USD vốn gây tác động lên kinh tế vĩ mô thì việc nhập khẩu là trở nên không cần thiết. Đơn giản, hàng là hàng hóa và giá cả do cung cầu quyết định. Nhà nước không có nhu cầu mua vàng và không khuyến khích người dân giữ vàng thì thật khó có lý do để bỏ ngoại tệ ra để nhập khẩu.

Giá cả của thị trường

Giá vàng trong nước hiện “vênh” gần 4 triệu đồng/lượng so với thế giới, hoàn toàn khác với cam kết duy trì “vênh hợp lý” khoảng 400.000-500.000 đồng/lượng của NHNN trước đây. Điều dễ nhận thấy là bất chấp giá vàng quốc tế giảm mạnh, giá vàng trong nước vẫn đứng ở mức cao nếu như không nói là đi ngược giá thế giới.

Theo quy luật, thị trường vàng Việt Nam cùng chịu chung tác động của xu hướng giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giá quá xa giữa vàng Việt Nam và vàng thế giới đang được xem là bất hợp lý nhất là khi tỷ giá niêm yết hoàn toàn ổn định, không có biến động.

Câu trả lời đang đổ dồn về việc các ngân hàng đang mua vàng vào để cân bằng trạng thái vàng. Theo đó, sau khi bền bỉ mua được hơn 60 tấn vàng chỉ trong vài tháng qua (từ tháng 5/2011), các ngân hàng được cho là cần phải mua tiếp 20 tấn vàng nữa mới đủ số lượng vàng cần thiết.

Cơn sốt vàng trong nước gần đây được nhiều chuyên gia cho rằng là do... các ngân hàng thương mại (NHTM), bởi họ là người mua tích cực trên thị trường và góp phần vào sự tăng giá mạnh mẽ của thị trường vàng trong nước. Theo một lãnh đạo của SJC, thì hiện nay người mua vàng chủ yếu là các ngân hàng, không phải người dân.

Trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi chấm dứt quan hệ huy động - cho vay, NHNN sẽ không tham gia bình ổn giá vàng mà sẽ tham gia với tư cách như một người kinh doanh vàng. Vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, vì vậy nhà nước sẽ không bán vàng ra để bình ổn giá.

NHNN khuyến khích người dân bán ra. Các NHTM sẽ mua, bán vàng với người dân và NHNN sẽ huy động, tức là người mua vào cuối cùng. Khi thị trường căng thẳng, cần hỗ trợ thanh khoản, NHNN sẽ can thiệp nhưng phải là trường hợp đặc biệt.

Về nguồn cung vàng, hiện tại NHNN đã không cho phép nhập khẩu vàng, điều này đã hạn chế tối đa nguồn cung. Khi nguồn cung bị hạn chế có thể sẽ kích thích vàng lậu. Tuy nhiên với cơ chế quản lý vàng SJC độc quyền như hiện nay, sẽ rất ít cửa cho vàng lậu tràn vào Việt Nam, vì nếu có nhập về cũng sẽ khó hợp thức hóa số vàng đó thành vàng SJC, hiện đang do nhà nước độc quyền sản xuất.

Trước đây, tại một cuộc hội thảo, ông Lê Xuân Nghĩa, khi đó còn là Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, có nói rằng rất có thể NHNN sẽ mua vàng vào để làm dự trữ quốc gia, thay vì chỉ là đồng USD hay một số ngoại tệ mạnh khác.

NHNN sẽ mua vàng vào tới một mức độ nào đó, có thể sẽ xuất khẩu một lượng nhất định để lấy USD tăng thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế. Đấy là việc huy động nguồn lực vàng trong dân, chuyển vàng thành tiền mà phục vụ cho nền kinh tế.

Nguyên Hưng – Trần Thủy