Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Vào dịp lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.
Hơn 15 năm qua, lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.
Tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức lễ hội Katê là nhằm tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời quảng bá, giới thiệu và khai thác vốn văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống quý giá của dân tộc Chăm để phục vụ du lịch, thúc đẩy văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam.
Dự kiến, thời gian lễ hội diễn ra trong 2 ngày (ngày 13-14/10/2023), tại di tích tháp Pô Sah Inư, bao gồm phần Lễ và phần Hội. Trong đó, phần Lễ được xem là nội dung chính, cốt lõi của lễ hội. Phần Lễ do các chức sắc người Chăm điều hành, thực hiện theo quy định tôn giáo, phong tục truyền thống vốn có do ông bà để lại.
Còn phần Hội là các trò chơi, hội thi, hội diễn giới thiệu về các nghề thủ công truyền thống, diễn xướng nghệ thuật dân gian Chăm để tạo không khí phấn khởi, vui tươi và đoàn kết.
Những năm qua, bên cạnh về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, tỉnh Bình Thuận đã và đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm như: Bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm...
PV