Giá Bitcoin sụt giảm 20% trong tuần này, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Theo dữ liệu của Coindesk, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới hiện được giao dịch quanh mức 46.800 USD/đồng, giảm 6,47% so với một ngày trước đó.
Đà giảm khiến giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 872,34 tỷ USD. Ngoài Bitcoin, giá các đồng tiền mã hóa khác như Ether, XRP và Stellar cũng lao dốc mạnh.
Theo giới chuyên gia, lãi suất trái phiếu tăng cao và đồng USD phục hồi sức mạnh đang đè nặng lên đà tăng giá của Bitcoin. Tuy nhiên, một số tin rằng việc đồng tiền này tăng trở lại chỉ là vấn đề thời gian.
Giá Bitcoin giảm mạnh xuống ngưỡng 46.800 USD/đồng hôm 26/2. Ảnh: Coindesk. |
Lãi suất tăng cao
Trao đổi với Zing, ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Moya (Mỹ) - giải thích giá Bitcoin rơi tự do khi lãi suất trái phiếu tăng cao. Không chỉ Bitcoin, các nhà đầu tư cũng phải đánh giá lại vị thế mua, bán trên nhiều loại tài sản khác.
Bitcoin tăng giá phi mã trong vòng 12 tháng qua. Một phần lớn nguyên nhân là các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài. Điều này là trợ lực mạnh mẽ cho Bitcoin - vốn được coi là tài sản miễn nhiễm với lạm phát và rủi ro đồng tiền mất giá.
Thêm vào đó, lãi suất thực càng thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ "vàng kỹ thuật số" càng giảm đi.
"Các tài sản rủi ro đang bị ảnh hưởng trong thời điểm này. Chúng ta đang chứng kiến cổ phiếu trượt giá và tiền mã hóa theo sau", ông Vijay Ayyar, Trưởng Bộ phận Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại sàn giao dịch Luno (Singapore), bình luận.
"Đồng USD đang mạnh lên. Đó là dấu hiệu cho thấy Bitcoin và các đồng tiền mã hóa sẽ trượt dốc", ông nói thêm.
Bitcoin cũng chịu áp lực từ những bình luận tiêu cực của các nhà đầu tư lớn và cơ quan quản lý. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Bloomberg mới đây, tỷ phú Bill Gates khẳng định Bitcoin không phải thứ mà những nhà đầu tư nhỏ lẻ nên mua.
Cần có một mạng lưới toàn cầu sử dụng rất nhiều năng lượng để duy trì và khai thác Bitcoin. Ảnh: Getty Images. |
Thêm vào đó, Bitcoin còn có tác động tiêu cực đến môi trường vì việc khai thác tiêu tốn nhiều năng lượng. "Elon có rất nhiều tiền và sành sỏi, nên tôi không lo lắng về việc những đồng Bitcoin ông ta nắm giữ sẽ tăng hay giảm", Bill Gates chia sẻ.
"Nhưng những nhà đầu tư đang đổ xô mua vào có thể không có nhiều tiền. Vì thế, tôi không lạc quan về Bitcoin. Theo tôi, nếu các vị có ít tiền hơn Elon, hãy đề phòng", nhà sáng lập Microsoft khẳng định.
Tại hội nghị DealBook của New York Times, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nhấn mạnh "Bitcoin không nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch". Theo bà, Bitcoin là tài sản có tính đầu cơ cao, không ổn định, mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thường được sử dụng với mục đích tài chính trái phép.
"Bitcoin bắt đầu bước vào đà giảm sau khi Elon Musk thừa nhận rằng giá 'có vẻ hơi cao'. Mức giá càng cao, càng có nhiều rủi ro. Và quan điểm của bà Yellen về Bitcoin là một trong những rủi ro mới nhất", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London, Anh) bình luận với Zing.
Sẽ sớm bật tăng?
"Tuy nhiên, tôi không tin rằng giá Bitcoin sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn. Thậm chí, tôi hơi ngạc nhiên khi giá vẫn chưa bật tăng", ông Erlam nói thêm.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tiền mã hóa Bloomberg, IBC Group - một công ty cổ phần tư nhân ở Dubai - đã cam kết đầu tư 4,8 tỷ USD vào Bitcoin. "Nếu Bitcoin tiếp tục nhận được sự ủng hộ lớn trên toàn cầu, chẳng hạn khoản đầu tư 4,8 tỷ USD của IBC Group, cuộc khủng hoảng nguồn cung có thể đẩy giá lên cao hơn nhiều", chuyên gia Moya tại Oanda dự đoán.
Bà Cathie Wood - Giám đốc điều hành Ark Investment Management - cũng khẳng định Bitcoin có hàng nghìn tỷ USD tiềm năng vốn hóa thị trường, trong khi nhà đồng sáng lập Silver Lake Glenn Hutchins tin rằng tiền mã hóa sẽ thành công nếu được người tiêu dùng chấp nhận.
"Thành công của Bitcoin sẽ được xác định dựa trên tốc độ chấp nhận tiền mã hóa (như một hình thức thanh toán) của các công ty Mỹ và sự quan tâm ngày càng tăng của những tổ chức đầu tư", ông Moya lập luận.
Bitcoin đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi bởi các tổ chức lớn, bao gồm PayPay, Visa và MasterCard. Những công ty như Fidelity Investment cũng tạo ra các quỹ cho phép nhà đầu tư thêm tiền mã hóa vào danh mục đầu tư.
Sau khi trượt giá hôm 26/2, giá Bitcoin vẫn ghi nhận mức tăng 61,8% tính từ đầu năm 2021. Đồng tiền này đã tăng giá trị hơn 400% trong vòng 12 tháng qua.
"Chúng ta sẽ không phải đợi lâu. Việc giá Bitcoin bật tăng lại chỉ là vấn đề thời gian", chuyên gia tài chính Erlam dự đoán.
(Theo Zing)