Trong bối cảnh sự quyết đoán
của Trung Quốc ngày càng gia tăng, lần đầu tiên, Washington sẽ tổ chức cuộc đối
thoại ba bên giữa các quan chức ngoại giao Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ vào ngày 19/12
để bàn về vấn đề an ninh hàng hải cũng như không phổ biến hạt nhân ở
Đông Á và Thái Bình Dương.
Lãnh đạo các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông
Á ở Bali. Ảnh: ibtimes |
Cuộc đối thoại này trước đó được lên lịch trình vào ngày 8/10 ở Tokyo nhưng bị hoãn lại do một yêu cầu từ phía Mỹ.
Quan chức hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực giải trừ vũ khí và không phổ biến hạt nhân, ban Đông Á và Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ; quan chức ngoại giao Mỹ như trợ lý ngoại trưởng phụ trách Nam Á Robert Blake và trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương cũng như các quan chức bộ ngoại giao Nhật sẽ tham gia đối thoại.
Sự kiện này sẽ diễn ra trước chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tới Ấn Độ ngày 28/12. Ngoài những sáng kiến song phương chính được bàn thảo trong khuôn khổ chuyến công du của ông Noda, lần đầu tiên, New Delhi và Tokyo sẽ đề cập tới khả năng cùng nghiên cứu trong lĩnh vực quốc phòng.
Do Tokyo khởi xướng và hoàn tất trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nirupama Rao tới Nhật Bản tháng 4/2010, cuộc đối thoại còn là một phần nỗ lực của New Delhi để đi xa hơn chính sách Hướng Đông cũng như tiếp cận với Bắc Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói về sự cần thiết của việc Ấn Độ "với tới" Đông Á. Trong khi Nhật Bản là một hiệp ước đồng minh của Mỹ, thì Ấn Độ đang mở rộng tiếp cận với các quốc gia Đông Nam Á và thậm chí là cả Australia cho các sáng kiến ba bên khi đối mặt với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với vùng Biển Đông giàu tài nguyên năng lượng tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Bali tháng trước.
Trong kế hoạch của mình, New Delhi xác định sáng kiến ba bên theo cách mà họ không coi là một nền tảng đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, môi trường chiến lược và những động thái của Trung Quốc trong khu vực cũng sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận.
Thái An (theo Hindustantimes)