- Từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT cho phép không cho điểm đối với học sinh lớp 1 trong suốt thời gian học. Quy định này nhận được nhiều tán đồng nhưng vẫn còn băn khoăn.

Giảm áp lực

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2009 bộ đã điều chỉnh cách đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Theo đó, bộ vẫn yêu cầu giáo viên chấm điểm thông qua các bài kiểm tra định kỳ như kiểm tra miệng, kiểm tra viết. Do quy định chưa được điều chỉnh, nên hướng dẫn không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 chưa thực sự trở thành quy định mà chỉ mang tính khuyến khích.

{keywords}

Trong một tiết học của cô trò Trường TH Thái Thịnh (Hà Nội). Ảnh: Văn Chung

Từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT cho phép không cho điểm đối với học sinh lớp 1 trong suốt thời gian học. Quy định này vừa được gửi đến các trường tiểu học trong bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với bậc tiểu học nhận được nhiều tán đồng...

Ủng hộ hướng dẫn này, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, GV Trường TH Thành Công B (Hà Nội) cho rằng: “Đánh giá bằng nhận xét sẽ có tác dụng kích thích học sinh cố gắng hơn. Những lời khen của cô giáo sẽ động viên học sinh. Quan trọng hơn là không tạo áp lực cho các em về điểm số”.

Phụ huynh Lê Thị Thanh Mai (Lương Yên, Hà Nội) thì cho rằng, không chấm điểm, đồng nghĩa với việc trẻ không phải lao vào cuộc đua điểm số với các bạn đồng trang lứa, không phải mỏi mắt ở các lớp học thêm trước lớp 1 để được cô giáo đánh giá cao.

Cũng theo nhiều phụ huynh, chính vì áp lực điểm số khiến họ phải buộc con trẻ bước vào cuộc đua điểm số bằng cách cho con đi học thêm, lấy lòng thầy cô hay nhồi nhét kiến thức vào đầu trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới của Bộ GD-ĐT như giải pháp nhằm "cởi trói", giảm áp lực cho chính học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) nêu quan điểm: “Học sinh mới vào lớp 1 mà chúng ta cho điểm ngay sẽ tạo ra áp lực tâm lý đối với các em. Nếu ngay nét chữ, đọc ngữ âm đầu tiên mà chúng ta đã đánh giá bằng điểm số thì sẽ ảnh hưởng tâm lý không tốt. Học sinh có thể so sánh giữa mình với bạn bè xung quanh khi mà hiện nay có tính trạng không ít phụ huynh cho con đi học chữ trước”.

Băn khoăn nhận xét không sát?

Một số ý kiến cho rằng nếu môn Toán và Tiếng Việt mà chỉ đánh giá bằng nhận xét sẽ không sát thực với khả năng tiếp thu của học sinh bởi vì chỉ có điểm số mới biết các em đang ở mức độ nào.

Với Việt Nam, việc đánh giá sẽ khó khăn hơn vì số lượng học sinh ở mỗi lớp thường rất đông, thậm chí lên tới 60-70 em/lớp.

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B, Hà Nội đề xuất: “Bộ phải đưa ra được một thang chuẩn và đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp 1 phải rất tâm huyết và sát sao. Nếu làm được điều này thì rất tốt”.

Cần thay đổi quan điểm về kiểm tra đánh giá

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Không cho điểm, hướng khuyến khích việc không cho điểm học sinh lớp 1 xuất phát từ việc đổi mới kiểm tra đánh giá trong trường học.

Hiện tại ta mới chỉ quan tâm học sinh học được cái gì. Nhưng đổi mới phải làm cho HS học tốt hơn, giúp học sinh tự đánh giá năng lực, kiểm soát quá trình học tập của mình....

Theo Thứ trưởng, “cho điểm học sinh có tác dụng định lượng kết quả học tập của học sinh thông qua đó có chuyện xếp loại, so sánh với các bạn. Tuy nhiên, dù có cho các em điểm 5, 6 điểm hay điểm 10 các em đều được lên lớp.

Do đó, cho điểm để phân loại học sinh không quan trọng bằng làm sao thông qua đánh giá khuyến khích sự cố gắng, động viên sự thành công, hướng dẫn các em vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập tạo cho các niềm vui học tập”.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ GD-ĐT đã tiến tới những khâu cuối cùng để ban hành tài liệu hướng dẫn cụ thể cách thức đánh giá bằng nhận xét cho trường và giáo viên.

Nhận xét, đánh giá, khuyến khích học sinh là nghiệp vụ bình thường trong dạy nhưng giờ chúng ta coi trọng hơn nên cần có hướng dẫn bổ sung. Chuyển từ việc cho điểm sang không cho điểm học sinh là bước giao thời tiến tới tiếp cận sự tiến bộ của giáo dục trên thế giới. Khó khăn có chăng chỉ là ở tâm lí tiếp nhận.

"Việc khuyến khích không chấm điểm học sinh cũng đã được bộ đã ban hành thông qua mô hình trường tiểu học mới. Qua thực tế, mô hình trường học mới nhận được nhiều phản hồi tốt, khuyến khích trẻ tự học, sáng tạo. Bộ hi vọng chủ trương này sẽ được áp dụng rộng rãi trong trường tiểu học tiến tới nhân rộng ở bậc phổ thông trung học” - lời Thứ trưởng.

  • Văn Chung