Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo luật mới gồm 7 chương với 41 điều.
Theo dự thảo, các quy định của luật hiện hành về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú đã cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú.
Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhất là sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế việc quản lý qua số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu về dân cư sẽ do Bộ Công an quản lý. Cơ sở dữ liệu về dân cư gồm 19 thông tin cơ bản như: Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân...
Dự thảo cũng bổ sung nhiều trường hợp phải xoá đăng ký thường trú (xoá hộ khẩu) như: công dân chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; người ra nước ngoài để định cư hoặc có thời gian xuất cảnh từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo cho cơ quan quản lý cư trú nơi đăng ký thường trú; người bị phạt tù có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân, tử hình.
Việc xoá đăng ký thường trú có thể được thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư, thay vì xoá trên hộ khẩu giấy.
Bộ Công an đánh giá sau khi chuyển sang quản lý hộ khẩu điện tử, công dân có quyền được bảo đảm bí mật thông tin.
Ngoài ra, công dân sẽ có quyền tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú, được yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ quyền cư trú của mình.
Mộc Miên