Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15, ĐBQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại kỳ họp này có 125 ý kiến tại tổ và 19 ý kiến tại Hội trường. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Bộ Công an đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự  ở cơ sở.

Bộ Công an cho biết, quá trình tiếp thu, Bộ đã chỉnh lý một số nội dung lớn gồm: Phạm vi điều chỉnh của Luật; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 2); nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Chương II); tiêu chuẩn tuyển chọn; bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; về bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

"Nới lỏng" tiêu chuẩn tuyển chọn

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an cho biết: Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chuẩn tuyển chọn như dự thảo Luật là quá cao, đề nghị quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời ĐBQH đề nghị ưu tiên tuyển chọn là bộ đội, công an xuất ngũ, cựu chiến binh, đảng viên, đoàn thanh niên, đồng bào dân tộc, người trong các tôn giáo, người am hiểu về phong tục, tập quán, nắm vững địa bàn, người có uy tín...

Trước ý kiến của ĐBQH, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉnh sửa, chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; đồng thời, bỏ quy định “quy hoạch, kế hoạch lựa chọn lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở”. 

Ảnh minh họa: VGP 

Đề cập đến nội dung "đề nghị làm rõ việc tuyển chọn là thành lập mới hay kiện toàn từ các lực lượng đã có", Bộ Công an cho biết đã thống nhất bổ sung, chỉnh lý là: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được thành lập trên cơ sở kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn để tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở”.

Đề cập đến việc bố trí lực lượng, chức danh, thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự, trong báo cáo giải trình của mình, Bộ Công an cho biết đã bổ sung quy định rõ hơn về bố trí lực lượng, chức danh, công nhận chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự bảo đảm chặt chẽ.

Về số lượng Tổ bảo vệ cần thành lập, số lượng từng chức danh của Tổ  tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đối với từng đơn vị hành chính cấp xã hoặc huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình của địa phương. 

Ngoài ra, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị có chức năng nghiên cứu quy định về xét tuyển thay cho việc bầu Tổ viên Tổ bảo vệ để bảo đảm đơn giản hóa thủ tục, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, tiết kiệm chi phí và thống nhất với quy định về tuyển chọn đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Đồng thời, dự thảo Luật giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự. 

Không làm tăng kinh phí 

Về bảo đảm cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ĐQQH quan tâm đến nội dung kinh phí hoạt động chi trả cho lực lượng này. 

Bộ Công an cho biết, thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Giải trình của Bộ Công an cho thấy: Khái toán tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật và so sánh với tổng mức chi hiện nay của các địa phương là bảo đảm cân đối với mức chi trung bình từ 20 tỷ đến 30 tỷ/1 năm/1 tỉnh, thành phố.

Theo đó, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất thì vẫn thực hiện chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như mức trung bình hiện nay các địa phương đang chi trả cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

"Về lâu dài sẽ giảm và không phải chi trả ngân sách cho nhiều lực lượng như hiện nay thì các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật đã được quy định theo hướng bảo đảm không làm tăng chi ngân sách nhà nước và có tính khả thi", Bộ Công an nêu. 

Về địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an đã thống nhất với các đơn vị có chức năng của Quốc hội chỉnh lý lại nội dung này tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý như sau:

“UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc bố trí chung tại địa điểm, nơi làm việc của UBND cấp xã, công an cấp xã hoặc tại địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ...”.

Nguyễn Đình Đoàn Bổng, Đoàn Kiều Nga, Phùng Thu Thủy, Nguyễn Thành Huế