Dù Bộ GTVT kiến nghị chưa nên áp dụng song từ 15/4 tới, các xe không chính chủ sẽ bị xử phạt theo Thông tư 11 của Bộ Công an.
>> Bộ trưởng Thăng: Chưa xử phạt xe không chính chủ!
>> CSGT chuẩn bị xử lý xe không chính chủ thế nào?
>> Từ 1/7, xe không chính chủ bị phạt tới 4 triệu
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 11 gồm 3 chương 17 điều quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó từ ngày 15/4 nếu phát hiện xe không sang tên, đổi chủ sau 30 ngày mua bán qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
CSGT xử phạt người vi phạm. Ảnh: P.Trần |
Tuy nhiên thông tư cũng nêu rõ CSGT và lực lượng làm nhiệm vụ không được dừng xe đang lưu thông trên đường để kiểm soát, xử lý hành vi "không sang tên đổi chủ".
Việc ban hành Thông tư 11 của Bộ Công an đã vấp phải không ít ý kiến không đồng thuận.
Trước đó, trong buổi họp lấy ý
kiến các bộ ngành về việc xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (lần 3), Bộ trưởng GTVT
Đinh La Thăng cho rằng quá trình thực hiện việc xử phạt xe hành vi không chuyển
quyền sở hữu phương tiện có tính khả thi không cao, nảy sinh nhiều ý kiến trái
chiều, nên tạm thời sẽ không đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định.
Cùng quan điểm, bà Trần Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT cũng nhận định
hiện tại hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn việc xử phạt hành vi "không sang
tên đổi chủ" còn thiếu và chưa thống nhất.
Do vậy, bà đề nghị chưa đưa việc xử phạt chủ phương tiện chưa sang tên đổi chủ vào dự thảo Nghị định.
Mặt khác, dư luận cũng lo ngại về hiệu lực thi hành của Thông tư 11 trong thời gian sắp tới khi một loạt các Nghị định, luật liên quan khác được thông qua.
Cụ thể, Thông tư 11 căn cứ vào pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nhưng từ 1/7 tới đây, luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực, theo đó pháp lệnh cũ vô hiệu, đồng nghĩa Thông tư 11 chỉ có hiệu lực thi hành trong hơn 2 tháng (15/4 - 30/6).
Ngoài ra, hiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến trình chính phủ.
Khi có một Nghị định mới ra đời (thay thế Nghị định 34 và Nghị định 71), đồng nghĩa Thông tư 11 cũng không còn hợp lệ.
Phải 2 năm nữa mới xử lý được xe chính chủ Cho ý kiến về việc xử lý xe chính chủ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, về hành vi không sang tên đổi chủ đã được quy định rất lâu, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định. Do vậy việc không sang tên đổi chủ phương tiện theo quy định là vi phạm. Xử phạt là đúng. Tuy nhiên sau khi có Nghị định 71 nâng mức phạt lên cao gấp 6 lần người dân đã có sự phản ứng. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hạ mức phí xuống, còn Bộ Công an rút gọn thời gian làm thủ tục hành chính, cùng với đó cần có thời gian giải quyết những tồn đọng cho xe chưa sang tên đổi chủ hiện nay. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu Thông tư 11 và các văn bản Bộ Công an vừa ban hành, tổ biên tập dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thấy có một số vấn đề liên quan xe chính chủ cần phải nghiên cứu thêm. Cụ thể, phải xác định được xử phạt hành vi này thì xử phạt ai, người bán hay người mua? Thông tư nói tất cả chủ phương tiện vi phạm luật đến mức tạm giữ phương tiện đều điều tra thêm hành vi chuyển chủ hay chưa, vi phạm hiện lại rất nhiều, nếu không cẩn thận người dân chỉ vi phạm một hành vi lại bị xử phạt thêm hành vi khác…Do vậy cần ít nhất 2 năm chuẩn bị mới thực hiện được xử lý xe không chính chủ. Bộ GTVT và Công an có vênh nhau? Ông Hiệp cho rằng, sự vênh nhau giữa các bộ ở một Nghị định hay một chủ trương là hết sức bình thường. Đây là sự phản biện xã hội, rất nhiều văn bản nghị định Chính phủ khi ban hành vẫn còn ý kiến khác nhau. Trước khi thông qua tờ trình, Chính phủ còn có phần ghi ý kiến khác nhau của các bộ. Việc Bộ GTVT muốn lùi thời gian xử lý xe chính chủ cũng xét trên ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và dư luận phản hồi về bộ thời gian vừa qua. (Theo Tiền Phong) |
Đ.Tâm (tổng hợp)