Bộ Công Thương cho biết, theo Giáo sư Klaus Schwab - Nhà sáng lập và đồng thời là Chủ tịch của Diễn đàn kinh tế thế giới, chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu của một cuộc cách mạng mới - sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và kết nối, đó chính là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này được dự đoán có tác động nhất định tới sự phát triển bền vững của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp này đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung đó. Theo Bộ Công Thương, mang tính chất của một cuộc cách mạng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ đã và đang làm biến đổi sâu sắc và mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội.

Những thành tựu khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra tại một loạt các lĩnh vực khác nhau của đời sống, như vật lý với công nghệ in 3D, số hoá với sự phát triển của IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật) hay AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo), sinh học với công nghệ gene… sẽ có khả năng mang tới sự thay đổi cho toàn bộ chuỗi sản xuất công nghiệp.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất giàu tiềm năng nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể không kịp thích ứng với những thay đổi nhanh chóng, các chính phủ có thể sẽ thất bại trong việc đưa ra các chính sách nhằm nắm bắt lợi ích từ các xu hướng công nghệ mới và nhiều vấn đề an ninh mới sẽ xuất hiện”, đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương tổ chức “Diễn đàn cách mạng công nghiệp lần thứ 4” với sự tham gia của các bộ, ban, ngành, các chuyên gia nước ngoài như UNDP Việt Nam, Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Tập đoàn UPS (Mỹ), Hiệp hội Cloud Computing châu Á và một số tập đoàn trong nước và quốc tế.

Ngoài 2 tham luận chính về “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Định dạng tương lai toàn cầu”, “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội và thách thức” của Giám đốc UNDP Việt Nam Louise Chamberlain và PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cùng tọa đàm bàn tròn về “Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong chương trình Diễn đàn kéo dài cả ngày 11/4/2017, dự kiến còn diễn ra 5 phiên chuyên đề.

Năm phiên chuyên đề của “Diễn đàn cách mạng công nghiệp lần thứ tư” sẽ tập trung vào các chủ đề: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và dịch vụ; Kết nối chuỗi cung ứng trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kinh tế chia sẻ; IoT và việc hình thành các xã hội mới; Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.