|
Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
"Phao" Điều 33 đã đến với 10 trường
- Thưa thứ trưởng, những trường ĐH, CĐ nào đã được Bộ GD-ĐT cho phép vận dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh?
Trong Quy chế tuyển sinh đã quy
định rất rõ những trường được vận dụng điều 33 là những trường đào tạo nhân lực
cho địa phương, những trường ở vùng sâu vùng xa và những ngành khó tuyển. Do đó
những trường thuộc diện này phải có báo cáo để Bộ xem xét.
Đến thời điểm này, cũng có một số
trường ở địa phương đã có đề nghị Bộ GD-ĐT cho vận dụng điều 33 và đã có công
văn của tỉnh/thành phố đóng trên địa bàn. Một số ngành có đào tạo các ngành khó
tuyển như Nông - Lâm - Thủy sản, những ngành nhà nước cần nguồn nhân lực nhưng
thí sinh đăng ký vào ít thì Bộ cũng xem xét cho vận dụng điều 33 để nới rộng
khoảng cách ưu tiên khu vực từ 0,5 thành 1 điểm.
Tới thời điểm này có khoảng 10 trường đã được áp dụng điều 33. Chủ yếu là các trường ở địa phương đào tạo nhân lực phục vụ địa phương. Cụ thể là ĐH Huế có ngành Nông Lâm khó tuyển cũng được vận dụng điều 33....
- Ngoài những trường thuộc diện được áp dụng nới điểm ưu tiên khu vực thì còn có những trường ĐH, CĐ nào đang xếp hàng xin Bộ?
Trong số các trường địa phương
được vận dụng thì có cả trường công lập và trường ngoài công lập. Hồ sơ gửi lên
sẽ do Vụ Giáo dục ĐH thẩm định nếu thuộc diện Quy chế quy định thì Bộ cho phép
và ngược lại, không thuộc diện đó thì Bộ sẽ không đồng ý.
Việc cho phép các trường vận dụng điều 33 không dựa trên sự khó khăn trong công tác tuyển sinh, cũng không dựa trên chỉ tiêu của các trường thiếu hay đủ mà dựa trên nhu cầu nhân lực thực tế của địa phương. Nghĩa là địa phương có nhu cầu và có cam kết của UBND tỉnh/thành phố về nhân lực đào tạo ra phục vụ cho địa phương cần ngành nghề nào và số lượng bao nhiêu. Đó là những căn cứ quan trọng để Bộ xem xét chứ không phải trường thiếu chỉ tiêu và Bộ cho vận dụng điều 33 để giãn điểm.
Không thể bắt thí sinh vào học
- Như vậy thì với các trường ĐH, CĐ năm nay hết thời hạn xét tuyển nguyện vọng 3 mà không tuyển đủ chỉ tiêu thì cũng phải chấp nhận...
Đúng vậy, vì số thí sinh có kết
quả thi trên sàn rất nhiều đảm bảo đủ nguồn tuyển cho các trường. Nhưng thực tế
có những trường còn chỉ tiêu nhưng thí sinh không đến thì có nghĩa uy tín của
trường chưa được xã hội biết đến và chất lượng đào tạo cũng chưa được quảng bá
rộng rãi. Vì vậy các trường cần tăng cường đầu tư để nâng cao uy tín cũng như
chất lượng đào tạo của trường về lâu dài. Khi trường đã có uy tín thì dù ở xa
hay gần cũng được thí sinh tìm đến.
- Nhưng có thực tế để nâng
chất lượng đầu vào thì mấy năm gần đây số trường dành chỉ tiêu xét tuyển NV2
nhiều hơn và gia tăng các trường công lập. Điều này có làm ảnh hưởng đến nguồn
tuyển của các trường ngoài công lập không thưa Thứ trưởng?
"Hình thức "khuyến mại" như vậy áp dụng để bán hàng thì được chứ với sinh viên học trên giảng đường 4 năm - nếu không đảm bảo chất lượng thì họ sẽ thi trường khác"- Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Mức điểm sàn công bố đảm
bảo cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Phạt nặng trường xé rào
- Năm 2010 cũng mức điểm sàn
như năm nay nhiều trường đã có trường xé rào, hạ điểm....Thậm chí Bộ đã cho phép
kéo dài thời hạn xét tuyển nhưng vẫn không hút được thí sinh. Tình trạng này sẽ
tái diễn năm nay là nguyên nhân do đâu, thưa Thứ trưởng?
Vấn đề này cho thấy học sinh đã có cân nhắc tính toán trường học. Khi chọn trường thi các em đã tính đầu tư và thời gian đeo đuổi có tương xứng với kinh phí bỏ ra hay không. Sau khi học ra có tìm được việc làm hay không? Những năm trước đây thí sinh có thể chọn học bất cứ trường nào, nhưng nay thì học sinh có phân tích nhìn nhận để có theo học hay không. Chứ không phải còn chỉ tiêu là thí sinh vào học đâu.
Còn một số trường đã áp dụng giải
pháp tặng điểm, thưởng tiền...đón thí sinh đến thì đó chỉ là giải pháp ngắn hạn
thôi. Hình thức "khuyến mại" như vậy chỉ áp dụng để bán hàng thì được chứ với
sinh viên học trên giảng đường 4 năm - nếu không đảm bảo chất lượng thì họ sẽ
thi trường khác.
Thực tế thì có những trường ngoài công lập rất hút thí sinh. Ngược lại, cũng có trường tuyển không đủ nhưng có trường tuyển vượt chỉ tiêu. Như vậy sự khác nhau cơ bản là uy tín và thương hiệu từng trường. Quan trọng nhất là sinh viên ra trường có làm được việc hay không.
- Như Thứ trưởng phân tích thì
các quy định đều được ban hành nhưng mùa tuyển sinh mấy năm gần đây đều có hiện
tượng xé rào. Phải chăng là chế tài xử phạt chưa đủ răn đe?
Bộ cũng đã thông cảm với rất
nhiều trường khi giao chỉ tiêu 100 nhưng trường không thể chỉ gọi 100 mà phải
gọi dư ra để đề phòng thí sinh ảo. Và Bộ cũng đã có quy định tuyển vượt quá
nhiều sẽ bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển mới năm sau. Nhưng đây là lỗi nhẹ.
Còn việc cố tình làm sai quy chế
tuyển sinh như xé rào hay hạ điểm thì sẽ phạt nặng.
Năm nay Bộ cũng đã tính đến một số tình huống phát sinh nên đã bổ sung chế tài xử phạt đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh. Nếu tuyển không đúng quy chế hoặc tuyển dưới điểm sàn hoặc nhân đôi điểm, hoặc gửi giấy báo cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển...sẽ bị xử lý. Do đó sau khi kết thúc xét tuyển Bộ sẽ kiểm tra để có uốn nắn cho phù hợp.
Sẽ cải tiến tuyển sinh năm tới?
- Thứ trưởng có đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng phương thức tuyển sinh "3 chung" hiện nay đã nảy sinh bất cập cần có phương án thay thế trong năm tới?
Ba chung không có những khuyết điểm lớn, tất nhiên nó chưa thật hoàn hảo thì Bộ sẽ có nghiên cứu xử lý. Trong tình hình hiện nay thì "ba chung" vẫn là giải pháp tốt tiết kiệm chi phí. Còn nếu để các trường tuyển sinh thì sẽ dạy thêm, học thêm tràn lan. Và trường A tuyển sinh thì trường B cũng tuyển sinh...và như vậy cả mùa hè các trường sẽ thi nhau tổ chức tuyển sinh thì sẽ lộn xộn. Và đề thi không phải trường nào cũng đủ tiềm lực.
Hiện nay bất cập nằm ở khối thi.
Ví dụ như Công nghệ thông tin thì không cần thi Hóa...thì sẽ có điều chỉnh cho
phù hợp. Hoặc sẽ điều chỉnh khối thi hoặc sẽ thi nhiều môn để thí sinh tự chọn
và các trường sẽ ghép các môn lại để xét tuyển phù hợp với các ngành nghề đào
tạo hiện nay.
- Sau 10 năm tổ chức thi chung đề, chung đợt và chung kết thì đã có sự chênh lệch rõ rệt giữa các trường tốp trên và tốp dưới. Có trường điểm chuẩn rất cao gạt thí sinh ra không hết, ngược lại nhiều trường ấn định điểm trúng tuyển ĐH chưa được 5 điểm/ môn. Bộ có xem xét cho các trường tốp dưới phương án tuyển sinh riêng?
Vấn đề có xử lý được chất lượng
hay không? Còn bây giờ muốn cho các trường tuyển đủ rất dễ có thể cho họ tuyển
riêng hoặc hạ điểm sàn nhưng lại không đảm bảo chất lượng. Vấn đề cần là chất
lượng, nếu đào tạo 4 năm mà ra trường không xin được việc thì đào tạo có vấn đề.
Vậy với những thí sinh chỉ đạt 3,4 điểm/ môn thì vào có học được? Như vậy sẽ
lãng phí cả thời gian và tiền bạc, cho nên về quản lý nhà nước phải có định
hướng.
Còn nếu chỉ vì để các trường
tuyển đủ chỉ tiêu mà hy sinh chất lượng là điều không nên.
- Cảm ơn Thứ trưởng!
- Kiều Oanh (Thực hiện)
CÁC TIN BÀI LIÊN QUAN