Không chỉ vậy, Việt Nam còn dẫn đầu công nghệ này so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bỏ giấc mơ du học vì “mê việc”
Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp bằng giỏi ngành Công nghệ phần mềm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2008, anh Toàn nuôi ước mơ đi du học. Để tập trung ôn tiếng Anh nâng và xin học bổng du học Châu Âu, anh đã quyết định dừng công việc đã gắn bó từ năm thứ 3 đại học. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đợi kết quả thi IELTS và làm hồ sơ đi du học, Toàn bỗng được một người thân giới thiệu vào Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC). Toàn nhận lời nhanh chóng với suy nghĩ “vào làm tạm cho đỡ buồn chán”.
Nhưng không ngờ, sức hút của công việc thậm chí khiến anh Toàn không còn mặn mà chuyện du học. Và rồi, dù kết quả Tiếng Anh sau đó của Toàn đủ điều kiện để apply học bổng du học nhưng anh đã từ bỏ bởi “bị cuốn vào công việc”.
“Đến tận bây giờ vẫn thế, công việc ở VNNIC như có một sức hút kỳ lạ với mình bởi luôn có nhiều thử thách mới đang chờ được chinh phục”, anh Toàn cười.
Anh Trần Cảnh Toàn, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) là một trong số các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Thanh Hùng |
Sản phẩm “Make in VietNam” đáng giá triệu đô
Trong giai đoạn đầu khi Internet mới vào Việt Nam, việc đăng ký và sử dụng tên miền “.vn” rất khó khăn khi người dùng phải đến trực tiếp trụ sở của VNNIC để làm thủ tục đăng ký, gia hạn hay thay đổi thông số kỹ thuật.
Năm 2008, VNNIC chuyển đổi mô hình quản lý, cấp phát tên miền “.vn” từ trực tiếp sang gián tiếp qua các Nhà đăng ký tên miền “.vn”. Yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng một hệ thống phần mềm để các nhà đăng ký kết nối và sử dụng. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, phần mềm được xây dựng chưa đáp ứng được theo chuẩn quốc tế nên rất khó thực hiện được kết nối liên thông đầy đủ các nghiệp vụ, bộc lộ nhiều điểm yếu, gây lãng phí nhân công và dễ sai sót trong quá trình sử dụng.
Trong nước không có sẵn sản phẩm và chưa có doanh nghiệp nào có kinh nghiệm làm về lĩnh vực này, VNNIC đành tìm hiểu để thuê, mua phần mềm của các hãng nước ngoài.
Bất ngờ là chi phí mà các đối tác nước ngoài đưa ra lên tới gần 1 triệu đô. Hơn nữa, ngoài chi phí đầu tư ban đầu, họ còn đòi hỏi phí duy trì hệ thống rất cao và phải trả thêm chi phí cho từng giao dịch. Đối tác cũng không cung cấp mã nguồn, mọi thay đổi đều phải trả phí, không kiểm soát được an toàn thông tin. Vì vậy, phương án của VNNIC rơi vào “ngõ cụt”.
Năm 2012, trước yêu cầu phải có hệ thống do VNNIC làm chủ hoàn toàn, theo mô hình và tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện trực tuyến, tự động hoá toàn bộ các khâu, anh Toàn đã mạnh dạn đề xuất với Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Hồng Thắng (nay là Giám đốc Trung tâm) để anh cùng 4 đồng nghiệp trẻ xây dựng phần mềm này.
Nhận được sự tin tưởng và dìu dắt, định hướng của cấp trên, chỉ trong vòng 18 tháng, nhóm của anh đã xây dựng và triển khai thành công hệ thống mới theo mô hình và tiêu chuẩn quốc tế EPP (SRS-EPP), đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nghiệp vụ và đạt hiệu năng xử lý lên đến 20.000 giao dịch/giây, áp dụng các công nghệ rất mới thời điểm đó như quản lý dữ liệu trên bộ nhớ, xử lý song song, thiết kế hoạt động thành cụm có tính dự phòng, mở rộng khi có nhu cầu rất đơn giản, đảm bảo hoạt động liên tục 24/24.
“Phần mềm trước đó không theo chuẩn giao thức của quốc tế nên khi giao tiếp với các nhà đăng ký quốc tế, hoặc các nhà đăng ký của Việt Nam đã theo chuẩn quốc tế thì phải chỉnh lại phần mềm theo chuẩn Việt Nam, thành ra “khó nói chuyện được với nhau”. Với phần mềm theo chuẩn quốc tế mà chúng tôi xây dựng, các nhà đăng ký quốc tế thì dễ dàng tích hợp và kết nối, còn các nhà đăng ký trong nước thì đây là bước đệm để họ vươn ra kết nối với các hệ thống của quốc tế, thực hiện cung cấp các tên miền mã cấp cao khác. Trong thực tế, các nhà đăng ký quốc tế mà VNNIC mới kết nạp gần đây, họ chỉ mất từ 2 tuần – 1 tháng để hoàn thiện kết nối đến các hệ thống kỹ thuật của VNNIC, điều mà các nhà đăng ký trong giai đoạn trước đây phải mất hàng quý hoặc thậm chí chấp nhận thực hiện cung cấp tên miền “.vn” một cách thủ công”.
Theo anh Toàn, việc ứng dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn chuẩn mực quốc tế trong hệ thống quản lý tên miền quốc gia “.vn” là tiền đề để tên miền “.vn” hội nhập quốc tế cũng như áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến khác của quốc tế cho tên miền “.vn” như: DNSSEC, RDAP,… VNNIC tự hào không chỉ là NIC đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á triển khai áp dụng chuẩn giao thức quốc tế EPP cho quản lý tên miền mà còn dẫn đầu công nghệ này so với các NIC (Trung tâm Internet quốc gia) lớn như JPNIC/JPRS Nhật Bản, KRNIC Hàn Quốc, CNNIC Trung Quốc. Điểm đặc biệt đây là sản phẩm 100% Make in Viet Nam, do chúng ta tự tay thiết kế, xây dựng nên chủ động trong vấn đề an toàn thông tin, dễ dàng tinh chỉnh để phù hợp với các Quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
Từng mắc những lỗi sơ đẳng
Tuy vậy, con đường để đến được ngày hôm nay theo anh Toàn cũng không phải “chỉ có hoa hồng”.
“Làm kỹ thuật nói chung và phần mềm nói riêng luôn phải đứng trước rất nhiều thử thách, bởi công nghệ luôn luôn thay đổi, thậm chí hàng ngày, hàng giờ, nhất là những phần mềm tại VNNIC luôn yêu cầu độ chính xác cao và hiệu năng rất lớn. Tên miền “.vn” là một tài nguyên quốc gia, nên nếu có bất kỳ một sai sót nhỏ nào trong phần mềm sẽ để lại hậu quả không nhỏ. Hệ thống thường xuyên tiếp nhận xấp xỉ 1.000 yêu cầu đăng ký mới trong 1 giây, do đó việc xử lý phải cực kỳ chuẩn xác, thậm chí sai số đến đơn vị 1/1.000 giây cũng không được chấp nhận.
Thế nhưng, anh Toàn cho hay, bản thân anh cũng từng có những lỗi rất sơ đẳng. “Có những cái mình nghĩ chính xác 100% bởi đã thiết kế, lập trình rất chuẩn, thế nhưng khi chạy lại không cho ra kết quả như mong muốn. Nhiều hôm mày mò căng mắt thâu đêm cũng không ra. Đến sáng, khi đã mệt, lại bất giác nghĩ ra có thể chỗ này, chỗ kia chưa chuẩn. Và quả nhiên, lỗi xảy ra do một xử lý rất sơ đẳng mà lúc kiểm tra mình không hề nghĩ tới”, anh Toàn kể.
Anh Toàn còn nhớ cả những đêm thức trắng trực cổng phục vụ đăng ký tên miền.
“Tôi vẫn nhớ ngày 28/4/2011 khi trung tâm mở cổng để cho phép đăng ký tên miền tiếng Việt tự do miễn phí. Hôm đó, vừa mở ra thì nghẽn luôn do số lượng vào đăng ký quá đông. Tôi và một anh đồng nghiệp đã thay nhau trực liên tục 3 ngày 3 đêm liền, bỏ cả nghỉ lễ để đảm bảo hệ thống luôn thông suốt”
Mặc dù vậy, cũng nhờ qua những đêm “trực chiến” như vậy, anh Toàn đã tìm được cách để tối ưu hóa, cải tiến phần mềm của mình. Ban đầu phần mềm chỉ chịu tải được khoảng 1.000 giao dịch/giây, nhưng sau đó đã lên tới được 20.000 giao dịch/giây.
Anh Toàn chia sẻ, thời gian tới, anh sẽ xây dựng nhiều hơn những sản phẩm hướng đến cộng đồng Internet như công cụ “chữa bệnh” cho tên miền.
Anh Trần Cảnh Toàn vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận và tôn vinh là 1 trong 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Anh Toàn được tôn vinh, khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông lần thứ IV (2020 - 2025) với nhiều thành tích đáng nể: Chủ trì xây dựng, triển khai, vận hành và quản lý hệ thống quản lý cấp phát tên miền quốc gia “.vn” theo mô hình nhà đăng ký - cơ quan quản lý, sử dụng chuẩn giao thức quốc tế EPP (SRS-EPP); Chủ trì nghiên cứu và ứng dụng công nghệ quản lý dữ liệu lớn (Big Data) vào thu thập, phân tích, khai thác dữ liệu truy vấn DNS để đảm bảo an toàn cho hệ thống máy chủ DNS quốc gia và tên miền “.vn”; Chủ trì xây dựng và triển khai hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ DNS và khai báo DNS cho các tên miền quốc gia “.vn” |
Thanh Hùng
Nữ giảng viên 8X vượt qua cái khó của 'người tìm đường'
Trong 15 năm giảng dạy, cô Hằng gặp không ít sinh viên giỏi, thậm chí có những kỹ năng vượt trội hơn giảng viên. Nhưng cô lại cho đó là điều bình thường, bởi “ngay như huấn luyện viên Park Hang-Seo cũng chưa chắc đá bóng giỏi bằng Quang Hải”.