- Hàng trăm hecta đất nông nghiệp tại địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang có nguy cơ phải bỏ hoang sau đợt lũ vừa rồi vì bị cát bồi lấp không thể tiếp tục sản xuất được.
Cát tràn khắp nơi
Ngay khi lũ vừa dứt, người nông dân tại huyện Đại Lộc liền tất bật ra đồng canh tác. Tuy nhiên, trên những mảnh đất nông nghiệp trước đây đều đã bị cát bồi lấp, san phẳng, khiến cho việc sản xuất gặp không ít khó khăn.
Làng Mỹ Phím (thôn 10, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) như một ốc đảo nổi lên giữa dòng Vu Gia đang chia làm 2 nhánh.
Dù đã quá quen thuộc với cảnh chống, chạy lũ, nhưng năm nay khi nước lũ vừa rút thì hàng trăm hộ dân nơi đây đều không tin ở mắt mình bởi cánh đồng canh tác của làng bị cát trắng bao phủ.
Ông Trần Xâng, 53 tuổi, cho biết, cánh đồng làng bị phù sa bồi lấp do lũ thì năm nào cũng có nhưng chưa có năm nào cát lại bồi nhiều như năm nay. Đây là cánh đồng sản xuất chủ lực của làng Mỹ Phím, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các nông sản như ớt, đậu, thuốc, bắp...
Anh Lê Thanh Minh, Bí thư chi bộ thôn 10 cho biết, toàn thôn Mỹ Phím có khoảng 20 ha đất canh tác bị cát bồi lấp, khu vực nhiều nhất cao đến 0,5 mét.
"Việc cát bồi lấp sẽ gây khó khăn cho bà con sản xuất vì thiếu nước tưới, thiếu chất dinh dưỡng, thậm chí chỗ nào bị bồi lấp nhiều quá sẽ phải bỏ hoang", anh Minh cho biết.
Được biết, cánh đồng làng Mỹ Phím là một trong những khu vực đem lại năng suất sản xuất rất lớn. Theo anh Minh, trung bình mỗi năm người nông dân nơi đây thu được khoảng 12 triệu đồng/sào hoa màu, nếu bị cát bồi lấp thì năng suất sẽ giảm xuống hơn một nửa, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Người dân tận dụng cát để xây nhà. |
Làng Mỹ Phím không phải là địa phương duy nhất bị cát bồi lấp. Các cánh đồng nằm dọc sông Vu Gia tại xã Đại Cường, Đại Hồng, Đại Sơn đều phủ một màu cát trắng. Nhiều người dân đã tận dụng nguồn cát này để phục vụ việc xây dựng nhà cửa, tuy nhiên vẫn chỉ khắc phục được một diện tích đất nông nghiệp quá nhỏ đang bị che lấp.
Chờ lũ cuốn đi
Theo ông Võ Đình Tài, Chánh văn phòng UBND huyện Đại Lộc, đợt lũ vừa rồi toàn huyện có 188,2 hecta đất nông nghiệp bị bồi lấp, phần lớn là do cát, tập trung ở một số địa phương như Đại Hồng (121 hecta), Đại Nghĩa (30 hecta), Đại Quang (9 hecta), Đại Sơn (5,5 hecta)...
Đây cũng chính là những địa phương sản xuất nông nghiệp chủ lực, những cánh đồng đầy ắp phù sa nằm dọc theo con sông Vu Gia mỗi năm đều cho thu nhập rất lớn.
Tuy nhiên, việc cát bồi lấp trong năm nay sẽ dự báo trước về năng suất sản xuất của địa phương trong năm tới.
"Đối với những cánh đồng có diện tích cát bồi lấp quá lớn thì chúng tôi sẽ xin kinh phí để cải tạo lại. Ngoài ra địa phương cũng sẽ vận động người dân tận dụng nguyên liệu cát và chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại nông sản thích hợp như dưa hấu, bí đỏ", ông Tài cho biết.
Cát bồi lấp gần nửa mét nên không thể tiếp tục sản xuất. |
Trong khi đó, bà Võ Thị Thúy Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường thì tỏ ra lo ngại: "Mỗi năm địa phương chúng tôi đều có hàng chục hecta đất nông nghiệp bị bỏ hoang vì cát bồi lấp quá dày. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ cải thiện được phần nào đời sống người dân chứ không thể đem lại thu nhập trước đây được", bà Nguyệt cho biết.
Phương án khả dụng hiện nay được nhiều địa phương áp dụng chính là...nhờ ông trời. "Chờ mùa lũ sang năm đến, nước lũ lại sẽ tràn vào làng và cuốn đi hết những đống cát bồi lấp năm nay. Nếu không may lũ lại mang đến một lượng cát nữa đổ lên cánh đồng thì phải chịu", một nông dân làng Mỹ Phím, chia sẻ.
- Phan Chung