Thực hiện nội dung thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Quyết định số 941/QĐ-TTg, ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức triển khai họp về xây dựng kế hoạch hành động.
Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, mục tiêu của việc xây dựng Kế hoạch nhằm xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; thực hiện trách nhiệm là thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Đồng thời, bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kể từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia giải trình, xây dựng báo cáo đánh giá đa phương của APG, trong đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là đơn vị được lãnh đạo Bộ phân công là đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai các phần việc, nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác phòng chống rửa tiền.
Tháng 6 vừa qua, FATF đã đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì thực hiện nội dung hành động số 8 về việc: Xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân thương mại (bao gồm các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp) và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm. Thời hạn hoàn thành là tháng 5/2025.
Với đặc điểm nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều, việc FATF đưa Việt Nam vào Danh sách Xám có tác động rất lớn, làm gia tăng chi phí các khoản vay, cho vay đối với Việt Nam; chi phí hoạt động đầu tư, thương mại, dẫn đến giảm dòng vốn FDI do các nhà đầu tư có tâm lý e ngại, thận trọng. Bên cạnh đó, điều này cũng làm giảm vị thế chính trị, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; tác động tiêu cực đến hoạt động đối ngoại, hệ thống tài chính ngân hàng.
Để thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị của nước ta trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết gửi Chủ tịch FATF về việc thực hiện kế hoạch hành động do FATF khuyến nghị với thời gian thực hiện là trong 2 năm (đến tháng 6/2025).
Theo đánh giá, việc thực hiện 17 hành động được FATF ấn định trong khoảng thời gian ngắn để ra khỏi Danh sách giám sát tăng cường của FATF là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và các bộ, ngành hữu quan nói riêng.
Để triển khai hoàn thành đúng tiến độ nội dung này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu phân công rõ trách nhiệm triển khai của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ. Theo đó, giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì đối với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó lưu ý việc bổ sung các nội dung về chủ sở hữu hưởng lợi, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phối hợp chặt chẽ đối với nội dung này. Giao Vụ Pháp chế và Cục Đầu tư nước ngoài nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư, đầu tư ra nước ngoài để ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động đầu tư, nhằm mục đích rửa tiền, đặc biệt là các nội dung liên quan về chủ sở hữu hưởng lợi của các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài; nghiên cứu, thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền.
Giao Thanh tra Bộ là đầu mối sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư các nội dung về chủ sở hữu hưởng lợi; xây dựng hoặc đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện công tác thanh tra các nội dung liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư tại các địa phương; xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thanh tra trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là đơn vị đầu mối sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp để bổ sung các yêu cầu về phòng chống rửa tiền đối với doanh nghiệp; tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị thuộc Bộ, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền; Vụ Pháp chế cần ưu tiên thẩm định các văn bản liên quan đến nội dung về phòng chống rửa tiền…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, yêu cầu các đơn vị cần sớm có kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, tham gia các cuộc họp với Đoàn đánh giá đa phương APG để giải trình về lĩnh vực phụ trách. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ trong quá trình triển khai đánh giá và xây dựng báo cáo cho APG.