Thống kê của Bộ LĐTB&XH đưa ra tại VEC 2019 cho thấy, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự kiến đến hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở, trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm 4,92% so với năm 2018. Ảnh: Internet |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019 (VEC 2019) do Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 20/9.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-thương binh và xã hội đã cho biết thực trạng và phát triển định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, tính đến tháng 12/2016, trước khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận bàn giao các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), các trường cao đẳng (CĐ) từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 2.020 cơ sở, trong đó có 1.498 trường trung cấp nghề (TCN), cao đẳng nghề (CĐN), trung tâm dạy nghề (TTDN) thuộc hệ thống dạy nghề, trong đó có 189 trường CĐN; 276 trường TCN; 1.033 TTDN; 522 trường TCCN, CĐ thuộc hệ thống giáo dục, đào tạo trong đó có 219 trường CĐ; 303 trường TCCN.
Đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 397 trường CĐ (công lập: 309 trường; tư thục: 84 trường; có vốn đầu tư nước ngoài: 4 trường); 519 trường trung cấp (TC) (công lập: 283 trường; tư thục: 235 trường; có vốn đầu tư nước ngoài: 01 trường); 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (công lập: 697 trung tâm; tư thục: 346 trung tâm; có vốn đầu tư nước ngoài: 2 trung tâm).
Đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, so với năm 2018, giảm 37 cơ sở (giảm 1,2%), tính riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm khoảng 4,28%. Ước hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở (giảm bình quân 2,56% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 08), trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm 4,92% so với năm 2018.
Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng: Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao thì được Nhà nước đầu tư trọng điểm; tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ thì gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp; tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt.
Với chủ đề Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, hội thảo tập trung vào GDNN với những vấn đề chủ yếu: Thể chế GDNN; doanh nghiệp và GDNN; bảo đảm chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
GDNN ngày càng đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, toàn diện, liên ngành, liên lĩnh vực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Để phát triển GDNN, cần phải có những nghiên cứu, xem xét và đánh giá hệ thống một cách toàn diện.
Hội thảo tạo điều kiện cho các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất ý tưởng mới nhằm phát triển GDNN tại Việt Nam.
Hội thảo gồm 3 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: (i) Về thể chế GDNN; (ii) Về GDNN và Doanh nghiệp; (iii) Bảo đảm chất lượng GDNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Các đại biểu đã nêu ra các quan điểm, xu hướng phát triển GDNN trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; phân tích hệ thống chính sách, pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng thể chế GDNN; phân tích, làm rõ những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực GDNN trước bối cảnh biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường lao động và việc làm dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật; đổi mới GDNN, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế...