- Trong căn nhà cấp 4, người mẹ của 5 đứa con nhỏ ủ rũ, kiệt sức nằm trên giường. Thông tin chồng mất tích cùng tàu Đài Loan (Trung Quốc) trên biển khiến chị ngã khuỵu suốt nhiều ngày nay.

Cả xóm thấp thỏm

Sáng 11/3, rất đông người dân đã đổ về căn nhà nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1978) ở xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An).

Thông tin chồng chị Thơm là anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1975) mất tích cùng tàu Đài Loan khiến cả thôn cùng thấp thỏm.

Anh Nguyễn Văn Hoa (anh ruột anh Thuận) cho biết, ngày 7/3, đại diện ủy ban xã Nghi Thiết đến nhà chị Thơm báo tin anh Thuận đang mất tích cùng tàu Đài Loan trên biển. Cả gia đình đều bàng hoàng, riêng chị Thơm rơi vào hoảng loạn.

“Sáng 7/3 tôi có đọc được tin trên báo nói về tàu cá mất tích nhưng không nghĩ đó là tàu có em trai. Sau khi ủy ban xã báo tin, chúng tôi gọi ra công ty ở Hà Nội mới biết sự thật”, anh Hoa kể.

{keywords}
 Gia đình thuyền viên Nguyễn Văn Thuận trao đổi với báo chí sáng 11/3. 
{keywords}
 
Chị Thơm khóc ngất xỉu trước hung tin về chồng. Gia cảnh của vợ chồng chị rất túng quẫn, anh chị có 5 đứa con gái, con đầu đã bỏ học đi kiếm tiền.

Gia cảnh thuyền viên Nguyễn Văn Thuận rất túng quẫn. Anh cùng chị Thơm kết hôn năm 2000 trong cảnh nghèo nàn. 5 đứa con gái của anh chị nối tiếp nhau ra đời trong cảnh nghèo, sống dựa vào thu nhập ít ỏi từ nghề đi biển.

Thương vợ con, anh Thuận gác lại nghề chài lưới để tìm đường xuất khẩu lao động. Nhưng số không may, cả 3 lần anh đi nước ngoài làm việc đều phải về trước hạn, tiền thù lao chẳng đủ trả nợ.

Tháng 1/2014, anh vay hơn 100 triệu XKLĐ đi làm thuyền viên cho tàu cá Đài Loan.

“Nó nói cố gắng đi chuyến này nữa, chắt chiu ít tiền về nuôi mấy đứa con. Ngày nhận tin em mất tích trên tàu, vợ con nó khóc đến ngất xỉu”, anh Hoa kể.

Theo tin từ gia đình, chiều 28 tết vừa rồi tranh thủ được vào bờ, anh Thuận có gọi về chúc tết vợ cùng 5 đứa con gái. 

Anh còn gửi số tiền giành dụm được về để vợ mua quần áo, sắm sửa tết cho con cái. Nghe tin anh mất tích, cả xóm Bắc Thịnh ai nấy đều thấp thỏm, chung nỗi lo âu.

“Khổ mấy anh cũng không về!”

Trên chiếc giường cũ kỹ, chị Thơm nằm như bất động. Thi thoảng tỉnh lại, chị lại òa khóc trên vai người thân và hàng xóm. Mấy đứa con nheo nhóc phải tự chăm sóc lẫn nhau.

“Đứa lớn nhất năm nay mới 14 tuổi nhưng đã nghỉ học, ra Hà Nội làm giúp việc kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi em. Nghe gia đình gọi ra báo tin, nó cũng đang trên đường về để chăm sóc mẹ. Đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi đang khóc nheo nhóc ngoài kia”, ông Nguyễn Điều Kiện (hàng xóm chị Thơm) sụt sùi kể.

{keywords}
Cháu Nguyễn Thị Thương (lớp 5, con thứ 2 của chị Thơm) và em út Nguyễn Thị Ngọc.

Con thứ hai của chị Thơm, cháu Nguyễn Thị Thương mới học lớp 5. Chị gái nghỉ học sớm và xa nhà, Thương ngày ngày giúp mẹ trông em. 3 ngày nay chị Thơm luôn trong trạng thái hoảng loạn, Thương phải trông giữ em út và nấu cơm thay mẹ.

Anh Nguyễn Văn Trung (xóm Mới, xã Nghi Thiết), một trong những thanh niên địa phương từng đi XKLĐ ở Đài Loan cho biết, anh đã từng gặp anh Thuận khi tàu cá vào bờ.

“Dịp trước tết vừa rồi, tàu em và tàu anh Thuận cùng vào bờ, anh em đồng hương có gặp nhau. Công việc trên tàu cá, tàu mực vất vả lắm, tàu anh Thuận có 9 lao động Việt thì 7 người về trước hạn. Em cũng phải phá hợp đồng để về trước.

Em nói anh Thuận nếu khổ quá thì về nước tìm hướng khác để phát triển kinh tế, nuôi vợ nuôi con. Nhưng anh ấy nói khổ mấy cũng chịu được, khổ cũng không về. Nói rồi anh gửi tôi cầm 100 USD về cho vợ con, đó là số tiền anh giành dụm trong nhiều tháng”, anh Trung kể.

Theo tìm hiểu, anh Thuận đi XKLĐ theo hợp đồng với Cty TNHH MTV Đào tạo & Cung ứng nhân lực quốc tế Nosco (trụ sở Hà Nội). Dù đi hơn 1 năm nhưng anh Thuận vẫn chưa trả hết số nợ vay ban đầu.

“Nếu rủi may nó không về nữa thì chắc vợ con cũng bán nhà trả nợ rồi ôm nhau đi ăn mày thôi chú. Mà chắc gì con Thơm đã sống nổi nữa”, anh Hoa bùi ngùi.

Anh Nguyễn Văn Thuận là một trong 2 thuyền viên của Việt Nam (người còn lại là anh Trần Văn Cương (SN 1988, xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mất tích cùng với tàu câu mực Hsiang Fu Chun (còn gọi là Tường Phú Xuân) của Đài Loan ở khu vực đảo Falkland, thuộc Đại Tây Dương từ ngày 26-2.

Cao Thái